Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 80%, tổng thiệt hại ước tính đến 23 tỷ USD. Trong bức tranh toàn cảnh không mấy sáng sủa, du lịch Thủ đô đã thể hiện bản lĩnh "vượt bão Covid-19" để giúp các doanh nghiệp “phá băng”, phần nào ổn định thị trường và lấy lại đà tăng trưởng.
Chặng đường gian khó
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng vẫn nhớ như in thời điểm Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, đó là ngày 23-1-2020 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi). Hoạt động du lịch đang sôi động bỗng chuyển sang trạng thái khủng hoảng, khi hàng trăm công ty du lịch phải xử lý tình huống chưa từng có: Khách hàng đồng loạt hủy tour du lịch Tết. “Dịch lan mạnh ở Trung Quốc khiến các công ty lữ hành phải dừng hoạt động đưa khách Việt Nam đến các địa điểm nổi tiếng ở nước này như Vũ Hán, Hồ Bắc, Tô Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải... Chúng tôi gần như “mất Tết” khi phải xử lý việc hoàn tiền cho khách. Chưa bao giờ điện thoại réo liên tục như vậy. Vì lo lắng dịch Covid-19 lây lan, hàng nghìn khách yêu cầu hoãn, hủy cả tour Tết tới những quốc gia gần Trung Quốc cũng như một số tour trong nước”, ông Phùng Quang Thắng nhớ lại.
Làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất kéo dài gần nửa năm, kéo theo đó là cuộc khủng hoảng của ngành Du lịch. Hoạt động du lịch rơi vào trạng thái “đóng băng” khi phía lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến đều tạm dừng hoạt động, bảo đảm “cách ly xã hội” nhằm phòng, chống dịch.
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, từ giữa tháng 5-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kích cầu du lịch nội địa để “cứu” ngành công nghiệp không khói. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch tổ chức nhiều hội nghị giữa các doanh nghiệp du lịch, kêu gọi tinh thần đoàn kết, chia sẻ, liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp, nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng lớn. Chương trình kích cầu du lịch trên diện rộng với những gói giảm giá lớn chưa từng có lập tức mang lại hiệu quả. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: “Chương trình kích cầu du lịch mang lại kết quả hơn cả mong đợi. Rất nhiều đơn vị lữ hành có khách đặt tour. Từ tháng 6-2020, nhiều chuyến đi bắt đầu khởi hành, khách tập trung tới miền Trung, khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…”.
Niềm vui vừa nhen nhóm, thì Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng vào ngày 26-7, làn sóng dịch mới xuất hiện. Ngành Du lịch, trong đó có du lịch Hà Nội, lại bị giáng một “đòn đau” khi “vết thương” cũ chưa kịp lành. Đánh giá thiệt hại của ngành Du lịch trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch thiệt hại ước tính hơn 50.000 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, dịch Covid-19 khiến gần 1.200 cơ sở lưu trú, 1.300 doanh nghiệp lữ hành, 130 điểm đến tạm dừng hoạt động, gần 41.000 lao động tạm thời nghỉ việc. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, ngành Du lịch Thủ đô đã trải qua cuộc “cọ xát” lớn nhất từ trước đến nay. Đó là bài học lớn về khả năng thích ứng, về tinh thần chủ động tìm giải pháp vượt qua khó khăn.
“Vượt bão” vươn lên
Dịch Covid-19 tạo ra sự thay đổi lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam. Cuộc khủng hoảng là phép thử, nhưng cũng là cơ hội để ngành “xốc” lại bộ máy hoạt động, từ cách thức vận hành, quản lý cho đến xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế. “Đây cũng là một cuộc đào thải lớn. Đơn vị nào bắt kịp xu thế, thay đổi tư duy, cách làm phù hợp với thời cuộc, không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, sẽ tồn tại được”, Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan nói.
Trong cái khó ló dần cái khôn, các đơn vị kinh doanh du lịch của cả nước cũng như trên địa bàn Hà Nội buộc phải đổi mới, nhạy bén hơn trong việc áp dụng công nghệ, xây dựng sản phẩm mới riêng có và nâng cao trình độ nghiệp vụ để thu hút du khách. Xác định rõ mục tiêu, du lịch nội địa sẽ là mảng hoạt động chính trong năm 2020, thậm chí có thể đến hết năm 2021, tất cả các đơn vị đều thay đổi chiến lược, cách làm, tạo ra sản phẩm mới để thu hút khách trong nước. Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò “bắt tay” hợp tác, ra mắt sản phẩm du lịch đêm đầu tiên của Hà Nội với hai phiên bản: “Đêm thiêng sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa”. Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, dự định thực hiện tour đêm nung nấu từ lâu, nhưng nếu không có dịch Covid-19 với yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết về sự đổi mới, sáng tạo, có lẽ sản phẩm này sẽ phải mất nhiều thời gian hơn nữa mới có thể ra mắt du khách.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo còn thể hiện rõ trong thái độ, cách làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên di tích Nhà tù Hỏa Lò, khi mọi người sẵn sàng kiêm nhiệm nhiều công việc, vừa làm hướng dẫn viên, vừa vào các “vai diễn” trong sản phẩm mới. Chị Hoàng Thúy Hạnh, hướng dẫn viên tham gia ba hoạt cảnh chia sẻ: “Trong khó khăn, tất cả cán bộ, nhân viên đồng lòng, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi nghiên cứu tư liệu, chuẩn bị lời thoại, trang phục cho các hoạt cảnh. Chỉ mất 2 tuần để tập, sau đó vừa diễn, vừa điều chỉnh”.
Nhiều khu, điểm du lịch khác của Hà Nội cũng cho thấy sự thay đổi trong hoạt động, cách làm. Các điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, làng gốm sứ Bát Tràng… đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Khu di sản Hoàng thành Thăng Long xây dựng sản phẩm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Ở khu vực ngoại thành, nhiều nơi đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, như: Làng cổ Đường Lâm, khu sinh thái Đồng Mô (thị xã Sơn Tây)…
Để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, 6 đơn vị lữ hành của Hà Nội: VietSense Travel, MyTravel, Ascend Travel, AZA Travel, Ánh Dương Tour, Asialand Travel đã phối hợp thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội - Prato (Practical Tourism) để đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng vận hành thực tế cho các nhân viên và sinh viên đang theo học du lịch tại các trường. Giám đốc Công ty VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, người khởi xướng dự án này cho biết: “Mỗi công ty lữ hành có bí quyết riêng trong điều hành, quản lý. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng nhân sự, để các đơn vị có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn”.
Năm 2020, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu nhiều thiệt hại nhất, nhưng cũng là một trong những ngành có chuyển biến nhanh nhất trong việc thích ứng, phục hồi. Đó là quãng thời gian khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để toàn ngành rèn luyện khả năng thích ứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, bản lĩnh và chủ động thay đổi để bước vào năm 2021 được dự báo là có nhiều khó khăn, thách thức. Như Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhận xét, để “vượt bão Covid-19” và sớm hồi sinh, các đơn vị trong ngành Du lịch Thủ đô cần chung tay đoàn kết, liên kết chặt chẽ trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng, phát triển mạnh du lịch nội địa, sẵn sàng phương án đón khách quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết