Đa dạng tiềm năng
Bình Định sở hữu đường bờ biển dài 134km và các bãi tắm đẹp như Quy Nhơn, Quy Hòa, Mũi Rồng - Tân Phụng, Nhơn Lý - Cát Tiến... Cùng với đó là các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ghềnh Ráng - Tiên Sa, đầm Thị Nại, đảo Yến, đầm Trà Ổ, bán đảo Phương Mai... Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng cao cấp cho Bình Định.
Không chỉ giàu có về tài nguyên thiên nhiên, Bình Định còn có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, thể hiện qua kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Đó là nền văn hóa Champa với 8 cụm tháp gồm 14 công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo mang nét đặc trưng cùng sự dung hòa giữa phong cách nghệ thuật Champa và Khmer. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như: Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế trời đất Tây Sơn, mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử...
Bình Định còn được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn” bởi đây là quê hương của 3 vị anh hùng hào kiệt - 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ; là “cái nôi” của nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam. Bình Định cũng là vùng đất sản sinh ra các tên tuổi lớn trong lĩnh vực thi ca như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Đào Tấn, Xuân Diệu, Phạm Hổ, Phạm Thế Mỹ... Không những thế, đây còn là nơi hội tụ các loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu như tuồng, bài chòi và các làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc cùng nền ẩm thực phong phú. Đó là lợi thế để Bình Định phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt so với các địa phương trong khu vực.
Phát triển sản phẩm thế mạnh đặc trưng
Với những lợi thế, tiềm năng như vậy, Bình Định có thể trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhưng để cạnh tranh với những trung tâm du lịch khác trong khu vực như Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Nam, Bình Định cần khai thác các thế mạnh đặc trưng để tạo nên những sản phẩm khác biệt nhằm thu hút khách du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Nguyễn Văn Dũng, những năm gần đây, tỉnh đã nỗ lực đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Toàn tỉnh hiện có 12 khu, điểm du lịch được chia thành 3 tuyến chính: Tuyến ven biển Quy Nhơn - Nhơn Hội - Tam Quan; tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn. Xác định du lịch biển, đảo là mũi nhọn, du lịch văn hóa - lịch sử là nền tảng, Bình Định đã tập trung đầu tư để thành phố Quy Nhơn trở thành đô thị du lịch; Khu du lịch quốc gia Phương Mai - núi Bà trở thành khu nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; đồng thời quy hoạch lại 134km bờ biển nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá chất lượng cao.
Ông Trương Quang Khải, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại KMK cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi chú trọng khai thác dịch vụ lặn biển ngắm san hô, thể thao trên biển, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các làng ven biển, từng bước tạo thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch biển, đảo. Nhờ đó, lượng khách du lịch tới Bình Định ngày càng tăng”, ông Khải nói.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa nhằm khai thác tối đa lợi thế vốn có. Theo bà Huỳnh Thị Kim Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, không gian văn hóa Chăm hay các lễ hội truyền thống gắn với những loại hình nghệ thuật đặc sắc.
“Chúng tôi sẽ xây dựng các tour lịch sử - văn hóa - tâm linh hoàn chỉnh, tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch sinh thái làng nghề kết hợp với khám phá ẩm thực và văn hóa cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Quy Nhơn - thành phố được Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ATF) trao Giải thưởng Du lịch sạch ASEAN 2020 và là một trong 5 địa danh của Việt Nam lọt top 20 điểm du lịch tốt nhất thế giới năm 2020. Đấy là thương hiệu, là sự khẳng định vị thế của du lịch Bình Định trên bản đồ du lịch Việt Nam”, bà Bình chia sẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết