Chưa phong phú, đa dạng sản phẩm
Theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15-12-2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017, cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cần đáp ứng các yêu cầu: Có đăng ký kinh doanh; thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa; bán đúng giá niêm yết; thái độ phục vụ lịch sự; bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.
Theo quy định này, hiện trên địa bàn Thủ đô đã có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 31 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 8 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí đã được Sở Du lịch Hà Nội công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngoài những trung tâm thương mại lớn thu hút người dân và du khách, như Vincom Center Bà Triệu, Royal City…, nhiều cơ sở tư nhân đã xây dựng được thương hiệu riêng: Cửa hàng Hanoia House (số 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm); cơ sở lụa Thùy An Silk, Nhung Chính, Phúc Hưng, Minh Hương (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông); cơ sở gốm sứ Tinh khôi hào quang Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).
Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, nếu so với số lượng 1.350 làng nghề và làng có nghề của Thủ đô cũng như nhu cầu thực tế của người dân và du khách, thì số lượng cơ sở đạt chuẩn còn khá ít, chưa phong phú và đa dạng mặt hàng. Đáng nói, trong số các cơ sở này, có đến 1/3 là trung tâm thương mại, còn lại chủ yếu ở 2 làng nghề truyền thống, là: Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Một vấn đề nữa là nhiều cơ sở dịch vụ mua sắm đạt chuẩn ở làng nghề chưa được du khách biết đến. Cơ sở kinh doanh lụa Thùy An Silk (làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông) được Sở Du lịch Hà Nội chứng nhận là cơ sở mua sắm đạt chuẩn 3 năm nay, nhưng theo chị Nguyễn Thị Thúy - chủ cơ sở, địa chỉ mua sắm này hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn khách quen.
Trong khi đó anh Lương Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Tinh khôi hào quang Việt (cơ sở gốm sứ tại Bát Tràng) cho rằng, du khách có đến các cơ sở mua sắm đạt chuẩn hay không còn phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch. Thực tế, nhiều đơn vị lữ hành không quản lý được hướng dẫn viên lựa chọn cơ sở mua sắm nào để đưa khách đến.
Trao đổi về thực trạng nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nhìn nhận, điểm hạn chế của các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm phục vụ khách du lịch là thiếu truyền thông, quảng bá, ít gắn kết với các đơn vị lữ hành, nên chưa thu hút được du khách.
Tập trung nâng cao chất lượng
Lý giải về việc Hà Nội có số lượng cơ sở dịch vụ mua sắm được công nhận đạt chuẩn ít hơn so với thực tế, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ngô Minh Hoàng cho biết, Hà Nội có nhiều trung tâm mua sắm chất lượng cao, như: Aeon Mall (quận Long Biên và quận Hà Đông), Lotte Mart (quận Ba Đình và quận Đống Đa), Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) cũng như có nhiều cơ sở làng nghề…, nhưng theo quy định của Luật Du lịch, việc công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là tự nguyện nên nhiều cơ sở vẫn chưa làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Nhằm tăng số lượng cơ sở dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn, Sở Du lịch Hà Nội tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, điểm mua sắm chất lượng cao kết hợp với hoạt động về ẩm thực, vui chơi giải trí; đồng thời, khuyến khích các trung tâm thương mại lớn, cơ sở mua sắm có uy tín đăng ký trở thành điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình du lịch gắn kết với các cơ sở dịch vụ mua sắm trên địa bàn.
Đóng góp thêm ý kiến về việc tăng sức hấp dẫn cho các cơ sở dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn của Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, Hà Nội cần phát triển các sản phẩm làng nghề vào hệ thống quà tặng, lưu niệm. Còn theo Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội) Nguyễn Hữu Việt, ngành du lịch Thủ đô cần tập huấn thêm cho đội ngũ hướng dẫn viên về kỹ năng hướng dẫn du khách mua sắm khi khám phá Thủ đô.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hình thành thêm nhiều cơ sở dịch vụ mua sắm mới, như cửa hàng miễn thuế tại Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza hay nhiều cửa hàng giảm giá (outlet) để tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. “Hà Nội có tiềm năng lớn để thúc đẩy hoạt động mua sắm trong phát triển du lịch bền vững. Song, để đánh thức tiềm năng này, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để thu hút du khách một cách bền vững”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh lưu ý.
Gửi phản hồi
In bài viết