Du lịch mang câu chuyện văn hóa
Hành trình khám phá Tây Bắc 5 ngày, 4 đêm theo hình thức caravan khởi hành từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), đi qua 5 tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình diễn ra trung tuần tháng 3 vừa qua là trải nghiệm khó quên đối với hơn 150 người, gồm cả đơn vị lữ hành và du khách.
Khác với những tour khám phá Tây Bắc truyền thống, hành trình caravan lần này đưa du khách khám phá nhiều vùng đất mới, nhiều điểm đến còn là tiềm năng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch trong tương lai. Đó không chỉ là sự trải nghiệm cảm giác mạnh khi khách tự lái xe trên cung đường đèo quanh co, mà du khách còn được tìm hiểu sâu hơn những câu chuyện mang tính văn hóa, lịch sử.
Hành trình du lịch caravan khám phá Tây Bắc là sản phẩm liên kết du lịch của Hội Lữ hành Hà Nội, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp thực hiện, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới cho Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc.
Trong hành trình, ngoài việc tham quan các bản du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc, như: Bản Lướt của dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); bản Sì Thâu Chải, Lao Chải 1 của dân tộc Mông, bản Thẳm của dân tộc Lự (tỉnh Lai Châu)..., du khách còn được trải nghiệm làm dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến tại đèo Pha Đin, trải nghiệm lễ hội của người tiền sử khi tự tay làm các bộ trang phục bằng lá cây tại hang Xóm Trại, tỉnh Hòa Bình...
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, hành trình caravan khám phá vòng cung Tây Bắc là sản phẩm du lịch mới do các đơn vị lữ hành Hà Nội cùng "bắt tay" thực hiện để kích cầu du lịch cho Hà Nội và các địa phương. Sản phẩm mới được xây dựng mang tính chuyên biệt với điểm nhấn là những câu chuyện văn hóa kết hợp với hoạt động trải nghiệm.
"Hội Lữ hành Hà Nội đã liên kết với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện sản phẩm du lịch bền vững, ở đó yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi sẽ xây dựng những câu chuyện cụ thể trong mỗi hành trình để du khách có nhiều cảm xúc hơn khi trải nghiệm", ông Phùng Quang Thắng nói.
Trong hành trình caravan, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động mang tính văn hóa như hoạt động "Một giờ làm dân công" tại đèo Pha Đin.
Là du khách tham gia chương trình caravan Tây Bắc - "Mùa ban nở", bác Lưu Văn Thanh, cựu chiến binh đang sống tại Hà Nội chia sẻ, đây là chuyến đi du lịch đầu tiên của vợ chồng tôi kể từ khi có dịch Covid-19.
"Khi tham gia hoạt động trải nghiệm làm dân công vận chuyển lương thực, tôi được sống lại thời tuổi trẻ đi chiến trường. Tôi xúc động lắm. Du lịch kết hợp với các hoạt động văn hóa, trải nghiệm như thế này sẽ để lại nhiều dấu ấn cho du khách", bác Lưu Văn Thanh nói.
Còn anh Nguyễn Hiền Hậu (tỉnh Tiền Giang) bày tỏ: "Tôi bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp núi rừng Tây Bắc và những hoạt động trải nghiệm mang đậm yếu tố văn hóa, lịch sử. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè tiếp tục tham gia những chuyến caravan như thế này".
Trong hành trình caravan "Tây Bắc - Mùa ban nở", các đơn vị lữ hành Hà Nội và du khách còn có hoạt động dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Điện Biên rất ý nghĩa.
Hiệu quả từ chuyến khảo sát
Hành trình trải nghiệm du lịch caravan Tây Bắc lần này là chuyến khảo sát lớn đầu tiên của các đơn vị lữ hành Hà Nội để xây dựng sản phẩm du lịch kích cầu, phục hồi du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Giám đốc Công ty Du lịch Pattours Vũ Giang Biên, sau hành trình khảo sát, đơn vị tiếp tục chỉnh sửa một số chặng đi trên cung đường Tây Bắc cho phù hợp với khách nội địa để triển khai cả hai hình thức là caravan và tour truyền thống phục vụ khách đoàn.
Du khách được hóa thân thành dân công tham gia trải nghiệm gánh, thồ lương thực.
Tham gia hành trình khám phá Tây Bắc để xây dựng sản phẩm mới mang tính kết nối giữa khu vực miền Trung với Hà Nội và Tây Bắc, Giám đốc Công ty Du lịch VND Travel Trần Văn Quang đến từ Bình Định cho hay, đơn vị sẽ quảng bá sản phẩm du lịch caravan miền Bắc với khách miền Trung.
"Chúng tôi đã làm nhiều sản phẩm caravan miền Trung, nhưng chuyến khảo sát sản phẩm mới này đã mang đến nhiều ấn tượng hơn về du lịch miền Bắc. Tôi hy vọng việc kết nối du lịch Hà Nội - Tây Bắc với các tỉnh miền Trung sẽ góp phần thực hiện kích cầu du lịch hiệu quả", ông Trần Văn Quang nói.
Hiện tại, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen với sự chung tay của hơn 10 đơn vị lữ hành Hà Nội đã bắt tay quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch caravan với ngày khởi hành ấn định vào 12 hằng tháng.
Sau chuyến caravan Tây Bắc, các đơn vị sẽ tiếp tục cùng nhau thực hiện các sản phẩm caravan tại một số tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn; Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Hòa Bình - Phú Thọ...
Hoạt động trải nghiệm lễ hội của người Việt cổ tại hang Xóm Trại (tỉnh Hòa Bình). Tại đây, du khách tự tay làm các bộ trang phục bằng lá và đeo mặt nạ mô phỏng hình ảnh trong hang động của người xưa do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chuẩn bị.
"Chúng tôi hy vọng, các tour kết nối với sự khởi đầu từ Hà Nội sẽ mang đến nhiều trải nghiệm khác biệt, đồng thời sẽ là sản phẩm du lịch liên kết đạt hiệu quả cao trong việc kích cầu du lịch và chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế", Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết.
Đánh giá về sản phẩm du lịch mới, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị lữ hành Thủ đô trong việc khôi phục thị trường du lịch. "Sự sáng tạo và chung tay liên kết của các đơn vị mang đến một sự khởi sắc mới cho du lịch Hà Nội sau dịch Covid-19", ông Trần Trung Hiếu nói.
Gửi phản hồi
In bài viết