Điều này cho thấy sức hút của ngành Du lịch Thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới. Lượng du khách đến Hà Nội ngày một tăng, giúp du lịch Thủ đô có sự bứt tốc ngoạn mục.
Du khách tham gia tour xe đạp trải nghiệm đêm Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên
Điểm sáng ấn tượng
Để lần thứ hai giành danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”, Hà Nội đã vượt qua nhiều “ứng viên” như: Sydney (Australia), Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Lisbon (Bồ Đào Nha)… Trước đó, vào tháng 10-2023, Hà Nội vinh dự được nhận giải thưởng “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023”.
Những điểm sáng của du lịch Thủ đô vào cuối năm giúp bức tranh kinh tế - xã hội Hà Nội khởi sắc hơn. Số lượng khách du lịch tăng trưởng thấy rõ trong từng tháng cuối năm.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 11-2023, Hà Nội đón 1,8 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 453.900 lượt, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm đến nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 22,6 triệu lượt khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch cả năm với 4,1 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 84.250 nghìn tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước sự bứt tốc nhanh chóng này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đây là tín hiệu vui của ngành Du lịch Thủ đô khi đã lấy lại được đà tăng trưởng sau khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Điều này cũng cho thấy sự tin tưởng của du khách trong và ngoài nước với các sản phẩm du lịch của Thủ đô; khẳng định Hà Nội là điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc, an toàn và chất lượng.
Thực tế, rất nhiều sản phẩm du lịch của Hà Nội đang tạo dấu ấn riêng. Các sản phẩm du lịch như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, du khách phải đặt vé trước cả tháng. Một số điểm đến ở khu vực ngoại thành như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Thầy (huyện Quốc Oai) với điểm nhấn là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đang có lượng khách tăng trưởng khá.
Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, lượng khách đến với Đường Lâm và nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn có thời điểm kín chỗ, nhất là vào cuối tuần.
Dấu ấn những sản phẩm mới
Bên cạnh những sản phẩm du lịch đã quen thuộc với du khách, gần đây, nhiều sản phẩm mới được hình thành đang làm phong phú thêm cho điểm đến Hà Nội. Những tháng cuối năm, hàng loạt tour đêm được giới thiệu tạo hiệu ứng tốt, điển hình như tour đêm “Tinh hoa đạo học” với hiệu ứng ánh sáng 3D mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tour xe đạp trải nghiệm đêm Hà Nội; không gian nghệ thuật, chiếu sáng tại số 22 phố Hàng Buồm…
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu thông tin, sản phẩm tour đêm “Tinh hoa đạo học” sau một tháng ra mắt đang tạo hiệu ứng tốt, thu hút khoảng 200 lượt khách trải nghiệm mỗi tối.
Ở khu vực ngoại thành, nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách vào dịp cuối năm được hình thành, như thung lũng hoa ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); trải nghiệm hoa dã quỳ tại Vườn quốc gia Ba Vì (tháng 11); lễ hội du lịch sinh thái Ba Vì (diễn ra ngày 9 và 10-12)…
Dịp này, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh sản phẩm du lịch golf, trong đó gần đây nhất tổ chức Giải golf du lịch Hà Nội tại sân BRG King Golf Course (Sân golf Đồng Mô) vào ngày 2-12.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, với lợi thế về vị trí địa lý, nằm gần các thị trường khách du lịch golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hà Nội là điểm đến du lịch golf lý tưởng.
“Việc đẩy mạnh sản phẩm du lịch golf sẽ giúp Hà Nội tăng thêm sức hấp dẫn với du khách, đặc biệt là khách quốc tế có thu nhập cao, đồng thời là cơ hội để phát triển các chuỗi sản phẩm, dịch vụ cao cấp”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Hà Nội vừa công bố 15 sản phẩm du lịch đêm, đồng thời tổ chức gắn kết các điểm du lịch để tạo đà cho du lịch Thủ đô phát triển trong năm sau. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản di tích, làng nghề theo tuyến: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Đồng thời, thành phố thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các làng nghề, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số như Mường, Dao...
“Hà Nội sẽ đẩy mạnh du lịch văn hóa, sinh thái gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là những dòng sản phẩm mới hứa hẹn hấp dẫn khách quốc tế trong thời gian tới”, bà Đặng Hương Giang nói.
Gửi phản hồi
In bài viết