Biểu diễn hát Then tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Lân
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh thông tin: Toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, bao gồm 98 di tích đã được xếp hạng, 3 di tích quốc gia đặc biệt (Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950), 2 bảo vật quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh, hơn 2.000 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo.
Cao Bằng còn có nghi lễ Then Tày, Nùng được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2018, Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, có diện tích khoảng 3.390km2. Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để Cao Bằng phát triển du lịch và kinh tế.
Tuy có nhiều tài nguyên nhưng du lịch Cao Bằng chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân là giao thông chưa thuận lợi, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn khiêm tốn. Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, hiện tỉnh hướng tới tập trung phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Cao Bằng thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Thác Bản Giốc - điểm đến nổi tiếng của Cao Bằng. Ảnh: Internet.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Quy hoạch du lịch; hoàn thành đầu tư xây dựng 4 mô hình chụp ảnh “check in” phục vụ du khách, giới thiệu các di sản: San hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình), hóa thạch hoa cúc Lũng Luông (Hà Quảng), đá bazan Cầu Gối - đèo Mã Phục (Quảng Hòa), Mắt thần núi (Trùng Khánh)…
Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh vận động, thu hút đầu tư triển khai nhiều dự án; chuyển đổi số du lịch; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng của UNESCO giai đoạn 2023 - 2025…
Góp ý các giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị tỉnh phát huy các sản phẩm hiện có, làm mới sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hoá, di sản; phát triển các sản phẩm du lịch xuyên biên giới; triển khai các chương trình xúc tiến để thu hút khách trong nước và quốc tế; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên huyện, đặc biệt là các khu du lịch cộng đồng ở vùng xa…
Gửi phản hồi
In bài viết