Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn cực kỳ phong phú nhưng Lai Châu vẫn bị coi là “vùng trũng” về phát triển du lịch. Nếu so với Điện Biên, Sơn La hay Lào Cai, du lịch Lai Châu ít được biết đến hơn dù tiềm năng không hề thua kém. Nhiều người ví von, du lịch Lai Châu giống như viên ngọc thô cần được “mài giũa” để tỏa sáng...
Du khách tham quan bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), một trong những bản du lịch cộng đồng hấp dẫn của Lai Châu.
Viên ngọc thô còn ẩn giấu
Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 400km, địa hình lại phức tạp nên đường lên Lai Châu mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, vượt qua những con đường đèo dốc quanh co, khi đặt chân tới đèo Ô Quy Hồ - một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam là du khách đã chạm tới cửa ngõ của Lai Châu.
Với địa hình được tạo bởi những dãy núi cao chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam, độ dốc lớn xen kẽ với nhiều thung lũng sâu và hẹp, Lai Châu sở hữu nhiều đỉnh núi hùng vĩ nhất Việt Nam như Fanxipan (3.143m), Pusilung (3.083m), Putaleng (3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (3.045m), Tả Liên Sơn (2.993m)... Đây là lợi thế để Lai Châu phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm (dù lượn) gắn với tour chinh phục các đỉnh núi cao.
Khí hậu ở Lai Châu được chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Với nền nhiệt trung bình ở mức thấp so với nhiều nơi khác (khoảng 19,6oC), cộng với việc sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như quần thể động Pusamcap, động Tiên Sơn; thác Tác Tình; suối nước nóng Vàng Pó, Nà Đom; cao nguyên Sìn Hồ, Dào San; hồ Đông Pao... nên Lai Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Lai Châu để lại cho du khách ấn tượng về tài nguyên văn hóa đặc sắc, được hình thành nhờ sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây là nền tảng hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa. Đến Lai Châu, du khách có thể tìm hiểu phong tục tập quán, trang phục, kiến trúc nhà, lễ hội, ẩm thực của 20 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này.
Mặc dù sở hữu tiềm năng phong phú, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch nhưng Lai Châu bị coi là “vùng trũng” về du lịch. Không ít doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội sau khi đi khảo sát các điểm đến đã phải ngạc nhiên vì tài nguyên du lịch của Lai Châu vô cùng phong phú nhưng vẫn như viên ngọc thô bị ẩn giấu trong lòng đất. Vì thế, cần có nhiều giải pháp để “mài giũa” cho viên ngọc thô ấy “tỏa sáng”.
Lấp đầy “vùng trũng”, tăng khả năng cạnh tranh
Một trong nhiều nguyên nhân khiến du lịch Lai Châu chưa thể phát triển là do nằm ở vị trí xen kẹt giữa hai người “hàng xóm” đi trước về du lịch là Điện Biên và “thiên đường nghỉ dưỡng” Sa Pa (Lào Cai). Xung quanh Lai Châu còn có Hà Giang, Sơn La, Yên Bái cũng là những tỉnh đã phát triển ngành công nghiệp không khói từ nhiều năm nay. Chỉ ra nguyên nhân khiến Lai Châu là “vùng trũng” về du lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu Trần Quang Kháng cho biết, đó là bởi những hạn chế về cơ chế chính sách thu hút các dự án, nhà đầu tư; điều kiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống lưu trú và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đặc biệt là công tác quảng bá xúc tiến, truyền thông và xây dựng sản phẩm, điểm đến còn nhiều hạn chế; sự liên kết với các địa phương để các doanh nghiệp lữ hành kết nối, hợp tác đưa khách đến còn yếu.
Theo Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Hà Nội) Trịnh Xuân Tùng, để ngày càng nhiều du khách biết tới Lai Châu thì cần có sự “bắt tay” không chỉ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của Hà Nội và Lai Châu mà phải thu hút được sự quan tâm và tạo mối liên kết bền chặt giữa các doanh nghiệp của hai địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá để lan tỏa hình ảnh về vùng đất tươi đẹp và con người Lai Châu thân thiện để thu hút sự quan tâm của du khách.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng sản phẩm để thu hút khách, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Du lịch và Sự kiện FLC Nguyễn Thị Điều Mến hiến kế, Lai Châu nên xây dựng chương trình foto tour (du lịch chụp ảnh) bởi nơi đây có hình ảnh thú vị về các mùa lúa, mùa hoa, mùa quả và chi phí tour không quá lớn, đó sẽ là lợi thế cạnh tranh để đón khách từ Sa Pa sang. Ngoài ra, Lai Châu cũng nên phát triển dòng sản phẩm hiện đang là xu hướng của dòng khách đoàn có mức chi tiêu cao như du lịch golf, du lịch rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm kết hợp với thiện nguyện cho đội ngũ lãnh đạo trẻ tại các doanh nghiệp, tập đoàn.
Với quan điểm “trong nguy có cơ”, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, mặc dù phát triển sau các địa phương lân cận như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... nhưng Lai Châu vẫn có nhiều cơ hội để phát triển du lịch nhờ lợi thế về cảnh quan hoang sơ, khí hậu mát mẻ cùng nhiều loại hình trải nghiệm hấp dẫn. “Điều du khách mong muốn nhất là trải nghiệm khác biệt ở các địa phương. Các bản làng ở Lai Châu hầu hết đều giữ được cảnh quan hoang sơ, ẩm thực phong phú và văn hóa bản địa rõ nét. Vì thế, cần “mài giũa” những lợi thế đó trở thành các sản phẩm mang thương hiệu riêng nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. Bên cạnh đó, Lai Châu nên áp dụng công nghệ 4.0 với các phương tiện truyền thông hiện đại, phù hợp với xu thế, xây dựng các clip quảng bá trên mạng xã hội với “hạt nhân” là các bạn trẻ hoặc chính người dân địa phương để lan tỏa mạnh mẽ hơn các sản phẩm, dịch vụ tour đến du khách” - ông Tuấn Anh nói.
Gửi phản hồi
In bài viết