Các tỉnh Bắc Trung Bộ liên kết phát triển du lịch

Tận dụng những điểm tương đồng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống và ẩm thực để tạo mối liên kết, hợp tác bền vững; đồng thời phát huy những nét khác biệt, đặc trưng nhằm tạo sự hấp dẫn, độc đáo cho hành trình và sản phẩm du lịch, là hướng đi được bốn tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh tích cực triển khai nhằm thu hút mạnh mẽ du khách trong nước và nước ngoài, tạo đà bứt tốc phát triển du lịch.

Du khách khám phá Khu du lịch sinh thái Thung Nham, Ninh Bình. (Ảnh PHONG VINH)

Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, liên kết chính là yêu cầu khách quan của phát triển du lịch. Liên kết giúp mở rộng không gian du lịch, phát huy lợi thế của các bên để hình thành sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo sức mạnh cho việc quảng bá chung điểm đến, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế liên vùng.

Tiềm năng liên kết dồi dào

Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19 hiện nay, liên kết du lịch càng trở nên quan trọng đối với việc phục hồi ngành công nghiệp không khói Việt Nam. Vì vậy, sự “bắt tay” đồng hành chặt chẽ của các địa phương Bắc Trung Bộ trong phát triển du lịch là hướng đi hợp lý nhằm góp phần gia tăng trao đổi khách, nâng cao trải nghiệm du lịch, nhất là khi cả bốn tỉnh đều sở hữu nhiều lợi thế kết nối.

Là bốn địa phương tiếp giáp nhau (theo thứ tự từ bắc vào nam), Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh tập hợp đa dạng các loại địa hình đồng bằng, đồi núi, trung du với nhiều thác nước, hang động, bãi biển đẹp..., thích hợp phát triển đầy đủ các loại hình du lịch.

Ðây là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long- Khu Ramsar thứ 9 của thế giới; Khu dự trữ sinh quyển thế giới biển Kim Sơn-Cồn Nổi; Khu du lịch Tam Cốc-Bích Ðộng; Vườn quốc gia Cúc Phương; Khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng; Vườn chim Thung Nham, động Thiên Hà… (Ninh Bình); Vườn quốc gia Bến En; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; suối cá thần Cẩm Lương; thắng cảnh Hàm Rồng-Sông Mã… (Thanh Hóa); Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; đập Phà Lài, Thác Kèm, bản Nưa, bản Xiềng, Vườn quốc gia Pù Mát… (Nghệ An); Khu sinh thái Hồ Kẻ Gỗ; Khu sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim; Vườn quốc gia Vũ Quang… (Hà Tĩnh).

Vùng đất này cũng là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa lịch sử giàu giá trị như: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, Di tích lịch sử núi Non Nước… (Ninh Bình); Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn… (Thanh Hóa); Khu di tích Kim Liên, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn… (Nghệ An); Khu di tích Ðại thi hào Nguyễn Du, Quần thể di tích Ðại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu di tích lịch sử Ngã ba Ðồng Lộc… (Hà Tĩnh).

Cùng với đó còn là sức hấp dẫn của hàng loạt tài nguyên văn hóa phi vật thể đặc sắc, như: Hát xẩm, hát chèo, hò sông Mã, dân ca ví giặm, ca trù... và nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống lâu đời, hay những món ăn lôi cuốn mang phong vị địa phương… Ðó chính là tiềm năng giàu có, dồi dào để bốn tỉnh cùng “bắt tay” phát triển những sản phẩm thế mạnh về du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá…

Bên cạnh đó, với việc sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ về cả đường biển và đường bộ, đặc biệt là sự hiện diện của Cảng hàng không quốc nội Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Sân bay quốc tế Vinh (Nghệ An), bốn tỉnh càng có nhiều thuận lợi để kết nối với nhau và với các trung tâm du lịch lớn trên cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc..., nhất là có thể tạo ra sự kết nối quốc tế với Lào, Thái Lan, Myanmar… theo tuyến hành lang kinh tế đông-tây.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Việc đẩy mạnh liên kết sẽ giúp các địa phương xây dựng được các sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất. Bởi, dù cùng khai thác những loại hình du lịch tương tự nhau nhưng bản thân mỗi điểm đến ở từng tỉnh luôn có những đặc trưng riêng, mang đến trải nghiệm riêng. Liên kết không chỉ tránh được sự trùng lặp, đơn điệu của sản phẩm mà còn giúp xây dựng được tuyến du lịch chất lượng, phát huy được thế mạnh từng địa phương.

Việc đẩy mạnh liên kết sẽ giúp các địa phương xây dựng được các sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất. Bởi, dù cùng khai thác những loại hình du lịch tương tự nhau nhưng bản thân mỗi điểm đến ở từng tỉnh luôn có những đặc trưng riêng, mang đến trải nghiệm riêng. Liên kết không chỉ tránh được sự trùng lặp, đơn điệu của sản phẩm mà còn giúp xây dựng được tuyến du lịch chất lượng, phát huy được thế mạnh từng địa phương.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa

Bà Hải Yến dẫn chứng: “Chẳng hạn, hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình có thể tận dụng đường bay để xây dựng tour kết nối “Một đường bay- Hai di sản thế giới” để đón khách từ những thị trường xa như Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đang được coi là địa bàn khách mới đối với cả hai tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng tour du lịch này sẽ trở thành sản phẩm hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao của vùng”.

Một hành trình-Bốn địa phương-Nhiều trải nghiệm

Thời gian qua, phát huy bản sắc độc đáo trong sự tương đồng khi liên kết du lịch, bốn tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh đã phối hợp các công ty lữ hành tập trung xây dựng, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Tiêu biểu là những tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng như “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, “Con đường di sản miền trung”, “Hành trình theo chân Bác”… góp phần khắc phục tính thời vụ lâu nay của du lịch, thu hút đông đảo du khách.

Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, thời gian gần đây, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa bốn địa phương càng được quan tâm hơn, đặc biệt trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch mới thông qua các hội nghị xúc tiến, quảng bá, từ đó tạo điều kiện để các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến kết nối phù hợp từng thị trường khách.

Các tỉnh cũng thường xuyên đón các đoàn famtrip đến khảo sát xây dựng sản phẩm, trao đổi thông tin về quản lý nhà nước, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá du lịch… nhằm xây dựng và định vị thương hiệu du lịch kết nối. Nhiều chuyên gia đánh giá, hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch giữa bốn tỉnh còn chủ động vươn ra thị trường quốc tế như Lào, Thái Lan - điều mà rất hiếm các cụm liên kết du lịch vùng trong nước làm được.

Mới đây nhất, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh (diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế-VITM Hà Nội 2023), Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp công bố tour liên kết bốn tỉnh mang chủ đề “Một hành trình-Bốn địa phương-Nhiều trải nghiệm”.

Theo đó, trong hành trình (năm ngày bốn đêm), du khách có cơ hội được khám phá, trải nghiệm những điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu mang tính thế mạnh của từng tỉnh. Ngày đầu tiên, du khách tới tham quan Tràng An, Bái Ðính, Khu du lịch Hang Múa (Ninh Bình); ngày thứ hai đến với Khu di tích Lam Kinh, Khu du lịch Anh Phát (Thanh Hóa); ngày thứ ba, du khách ghé thăm Khu du lịch Mường Thanh Greenland Diễn Lâm, rồi tiếp tục khám phá đền Cuông - nơi thờ An Dương Vương, trải nghiệm tắm biển Cửa Lò, tham quan đền Nguyễn Xí, đền Vạn Lộc, đi thuyền ra đảo Hòn Ngư, đảo Lan Châu, Melia Vinpearl Cửa Hội, sân golf, làng nghề nước mắm... (Nghệ An).

Ngày thứ tư, tiếp nối hành trình khám phá Nghệ An, du khách tham quan Khu di tích Kim Liên, làng Hoàng Trù, đền Chung Sơn, mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ), dâng hoa và tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó di chuyển và khám phá hồ Kẻ Gỗ, biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh); ngày thứ năm, trước khi lên đường trở về, du khách sẽ đến với điểm cuối của hành trình là chùa Hương Tích (Hà Tĩnh).

Với những thông điệp ý nghĩa: “Ninh Bình-Ðiểm đến thân thiện hàng đầu thế giới”, “Du lịch Thanh Hóa-Hương sắc bốn mùa”, “Nghệ An: Về miền ví, giặm”, “Hà Tĩnh-Về Hà Tĩnh người ơi”..., bên cạnh sản phẩm liên kết, bản thân mỗi tỉnh cũng lên kế hoạch triển khai hàng chục sự kiện đặc sắc cùng chương trình kích cầu hấp dẫn để thu hút du khách cho mùa cao điểm du lịch hè năm nay. Thanh Hóa với chuỗi sự kiện ca nhạc hằng tuần, các hoạt động nghệ thuật đường phố, khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn…

Nghệ An với Lễ hội Làng Sen (từ ngày 14-19/5), bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen”, “Liên hoan văn hóa ẩm thực và Cuộc thi ẩm thực chế biến món ăn từ sen”, carnival đường phố “Vũ điệu hè 2023”, Fashion show áo dài chủ đề “Sen”; Giải Marathon “Hành trình về Làng Sen”; Festival Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh (từ ngày 12-18/8)… Hà Tĩnh với Hội thi Thả diều sáo (dự kiến tổ chức ngày 15/5), Lễ hội khinh khí cầu (dự kiến từ ngày 25 -28/5 tại Khu du lịch biển Lộc Hà)…

Các chuyên gia cho rằng, nếu thật sự quyết tâm đầu tư liên kết, bốn tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh sẽ phát huy được sức mạnh tổng lực để trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh: Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Qua liên kết, các bên không chỉ được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn có thể cùng quảng bá sản phẩm, thu hút được nhiều thị trường mới.

Vấn đề là làm thế nào để liên kết đi vào thực chất. Vai trò địa phương là định hướng, tạo cầu nối, còn kết quả liên kết thực tế sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp cụ thể giữa các doanh nghiệp, đơn vị. Ðó là lý do các tỉnh thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về bộ sản phẩm của từng điểm đến, tìm kiếm và kết nối để xây dựng sản phẩm mới tốt hơn. Ðã có những hỗ trợ về giá để các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng đơn giá sản phẩm phù hợp, nhiều lợi thế cạnh tranh.

Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: Ðể việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa bốn tỉnh có chiều sâu và bền vững, từng địa phương cần có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các nội dung liên kết đã thỏa thuận; tiếp tục chú trọng tạo ra chuỗi các sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, hấp dẫn du khách.

Ðể việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa bốn tỉnh có chiều sâu và bền vững, từng địa phương cần có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các nội dung liên kết đã thỏa thuận; tiếp tục chú trọng tạo ra chuỗi các sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, hấp dẫn du khách.

Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài thời gian của mùa du lịch, cùng phối hợp mở rộng thị trường khách nội địa tới các địa phương phía nam, khách nối tour từ Hà Nội; từng bước khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách từ Lào và đông bắc Thái Lan…

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục