Nghi lễ “Đặt tên họ Hồ” gồm các hoạt động giản dị nhưng hết sức trang trọng và thiêng liêng.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động "Tháng 5 nhớ Bác" là sự kiện tái hiện nghi lễ "Đặt tên họ Hồ" của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên - Huế và chương trình dân ca, dân vũ "Những người con mang họ Hồ hát về Người".
Theo đó, nghi lễ được chính chủ thể văn hóa tái hiện đúng với tinh thần nghi thức được thực hành khi dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới nghe tin Bác Hồ kính yêu ra đi vào năm 1969.
Nghi lễ gồm các hoạt động hết sức giản dị nhưng trang trọng và thiêng liêng, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của cộng đồng dân tộc dành cho Bác, như: Già làng đọc diễn văn, cộng đồng tuyên thệ…
Nghi lễ “Đặt tên họ Hồ” là một sự đột phá, vượt trên mọi khuôn khổ luật tục cũng như bổ sung những điều khoản thiêng liêng mới vào hệ thống di sản văn hóa của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa, giáo dục, nhắc nhở các thế hệ người Tà Ôi về tấm lòng của cộng đồng đối với vị lãnh tụ vĩ đại.
Cùng với nghi lễ “Đặt tên họ Hồ”, chuỗi hoạt động “Tháng 5 nhớ Bác” còn có chương trình dân ca, dân vũ "Những người con mang họ Hồ hát về Người"; "Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ"…
Trong dịp này, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trưng bày 20 bức tranh về “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, 30 bức ảnh về cuộc đời, sự nghiệp, tình cảm của Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc; phát động đợt vận động sưu tầm, hiến tặng tư liệu, hiện vật, hình ảnh vật dụng sinh hoạt, những sáng tác văn học - nghệ thuật, câu chuyện, bài báo... về Bác Hồ.
Bên cạnh đó là các hoạt động cuối tuần, hằng ngày của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động tại Làng nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, vùng, miền, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết