Rất đông du khách đến Nha Trang dịp nghỉ lễ vừa qua.
Những tín hiệu vui
Theo số liệu được ngành Du lịch các địa phương công bố, lượng du khách đến các trọng điểm du lịch phía Nam trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Ngoài những điểm “hút” khách như Đà Nẵng, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đón một lượng lớn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đơn cử tại Huế, trong 5 ngày nghỉ, có 250.000 lượt khách đến Cố đô, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, lượng khách đến Bình Định ước đạt 249.700 lượt khách, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng doanh thu ước đạt 257 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Khánh Hòa, có 789.100 lượt du khách đến với Nha Trang và các điểm du lịch biển, tăng gần 30% so với năm 2022; công suất phòng lưu trú đạt trung bình hơn 87%...
Các hoạt động biểu diễn đường phố tại thành phố Huế thu hút du khách.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc thông tin, tỉnh đã đón 36.300 lượt khách quốc tế trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, tăng 26 lần so với năm trước.
Tại Cần Thơ, khách quốc tế lưu trú lên đến 1.800 lượt, tăng 360% so với cùng kỳ năm 2022 (chưa kể lượng khách đến trong ngày).
Nhiều địa phương phía Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động tạo điểm nhấn để thu hút du khách trong dịp này. Nổi bật là Đà Nẵng tổ chức tới 21 sự kiện, hoạt động được du khách tham gia đông như thả diều nghệ thuật, thi đắp tượng cát, cuộc thi dù lượn, nghệ thuật sắp đặt, không gian ẩm thực.
Huế tạo điểm nhấn bằng các hoạt động quảng diễn đường phố; Lễ hội ẩm thực “Tinh hoa nghề bún”; Lễ hội Tri ân dòng Hương - thuyền hoa đăng trên sông... Đặc biệt là Chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa các thành phố trên thế giới, trong nước kết nghĩa, hợp tác với Huế... Trong khi đó, nhiều du khách háo hức chiêm ngưỡng thành phố Quy Nhơn bằng khinh khí cầu trong Lễ hội Thiên đường biển do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức.
Tỉnh Bình Định tổ chức Lễ hội Thiên đường biển Quy Nhơn với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình nhận định: “Những sự kiện do địa phương và doanh nghiệp đầu tư tổ chức đã góp phần thu hút và tạo ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước về một điểm đến thân thiện, sôi động. Chúng tôi sẽ còn tổ chức nhiều hoạt động như vậy trong hè năm 2023 để mong đón nhiều hơn nữa khách đến với địa phương”.
Khách ở ngắn, tiêu ít
Đánh giá chung của ngành Du lịch nhiều địa phương phía Nam về kỳ nghỉ lễ vừa qua là khách đoàn ít, chủ yếu là khách gia đình, nhóm khách lẻ ít người tự đi; trải nghiệm ngắn ngày. Đơn cử như tại Khánh Hòa, chỉ có 1/4 trong tổng số gần 800.000 du khách đến địa phương là nghỉ lại các điểm lưu trú.
Tại Vũng Tàu (đón 256.000 lượt khách) và Đà Lạt (đón 350.000 lượt khách), chỉ có khoảng 1/3 lượt khách nghỉ lại qua đêm trong 5 ngày lễ. Số liệu này phù hợp với chia sẻ của một số du khách vừa trở về thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ vừa qua.
Khách đến Vũng Tàu đông, nhưng chỉ 1/3 ở lại qua đêm.
Anh Võ Đăng Trí, ngụ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, quận 3 cho biết anh và gia đình vừa có chuyến khám phá bằng xe ô tô hôm 29-4 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Lạt rồi xuống Nha Trang trước khi quay về thành phố Hồ Chí Minh hôm 3-5.
“Chúng tôi muốn hai con trai cảm nhận về đất nước mình. Nhưng quả thật Đà Lạt luôn đông kín người vào các kỳ nghỉ lễ, khó thảnh thơi ngắm cảnh, khám phá. Điểm đỗ xe ô tô rất thiếu, du khách phải loay hoay tự lo khi khám phá thành phố. Nha Trang và bãi dài Cam Ranh ngoài cảnh biển, chưa có nhiều hoạt động thu hút du khách tham gia và “tiêu tiền”, anh Trí nói.
Còn chị Vương Khánh Chi ngụ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, chia sẻ: “Vũng Tàu gần thành phố Hồ Chí Minh, đi lại thuận lợi, nên luôn đông khách. Nhưng thành phố rất ít chỗ chơi, dịch vụ gia tăng hầu như không có. Gia đình tôi thường xuống đó buổi sáng, tắm biển, ăn trưa rồi về chứ không ở lại. Đảo Phú Quý ở Bình Thuận cũng vậy. Du khách mất hơn 1 giờ vượt biển từ đất liền ra đảo, nhưng ngoài cảnh sắc thiên nhiên đẹp, các dịch vụ gia tăng khác chưa hấp dẫn, chưa nhiều".
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ - Lữ hành Saigontourist, cơ cấu chi tiêu của du khách tại Việt Nam (bao gồm cả du khách quốc tế) hiện đang mở mức 70% cho lưu trú và đi lại, 20% cho ăn uống và 10% cho các chi tiêu khác. Điều này cho thấy nếu không có các sản phẩm, dịch vụ khiến du khách “tự nguyện tiêu tiền”, sẽ khó thay đổi thực trạng khách đến đông, nhưng điểm du lịch không có nguồn thu bền vững. Ngoài ra, nếu không có những sản phẩm du lịch đặc sắc, giá cả hợp lý, sẽ rất khó để khiến du khách quay lại lần sau.
Du khách vượt biển đến đảo Phú Quý, nhưng tại đây chưa có nhiều dịch vụ để họ tăng cường "tiêu tiền".
“Việt Nam chỉ có 2 mùa cao điểm du lịch là quý I và quý IV. Nay đã hết quý I, nhưng lượng khách đến các điểm nóng du lịch cả nước chưa bằng cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19); khách quốc tế chưa phục hồi, khi lượng khách từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đến Việt Nam còn ít. Vào mùa hè, khách châu Âu đi Địa Trung Hải, Caribe hay Thái Lan, Indonesia thuận lợi và rẻ hơn đến Việt Nam. Nếu không có chiến lược phù hợp, du lịch Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới”, ông Nguyễn Hữu Y Yên nhận định.
Gửi phản hồi
In bài viết