Có rất nhiều lý do để du khách dành cả mùa hè ở Makassar.
Đa số du khách đến với Makassar bằng máy bay. Sân bay quốc tế Sultan Hasanuddin nằm cách thành phố 20km, luôn có chuyến bay từ Jakarta, Surubaya, Bali... Hoặc khách du lịch cũng có thể chọn đi tàu du lịch từ Borneo hay Mindanao. Tại Makassar, loại phương tiện được du khách nước ngoài lựa chọn nhiều nhất là xích lô (tiếng địa phương gọi là becak) vì giá rẻ mà lại cho họ cơ hội ngắm nhìn những con phố bụi bặm. Cả Grab và Gojek đều hoạt động ở Indonesia, nên du khách Việt Nam có thêm lựa chọn trong việc di chuyển.
Pháo đài Rotterdam được thực dân Hà Lan dựng lên vào thế kỷ XVII trên nền một pháo đài cũ thời vương quốc Gowa. Trước đây, thống đốc và những quan chức thực dân quan trọng trên đảo đều ở trong pháo đài. Dinh thự của họ và những công trình khác tại đây vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Pháo đài Rotterdam còn lưu giữ một bộ sưu tập về nghề thủ công địa phương, như dệt lụa và đóng thuyền. Du khách được vào cửa pháo đài miễn phí, nhưng để xem bộ sưu tập này thì sẽ phải trả tiền.
Sáng sớm, khi phần còn lại của Makassar còn chìm trong giấc ngủ thì bến cảng Paotere đã rộn rã tiếng người. Đó là lúc những chiếc tàu đánh cá chạy đua với mặt trời để đem những mẻ cá vừa bắt được vào đất liền trước bình minh. Vị khách nào muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người lao động Makassar hay tìm mua mẻ cá thật ngon thì không thể không tới cảng Paotere vào thời điểm mặt trời mọc.
Bãi biển Losari là một điểm đến khác ở Makassar mà du khách không thể bỏ qua. Ở một thành phố thương mại như Makassar, Losari là một góc hiếm hoi để người dân tận hưởng sự yên tĩnh. Bạn nên đi bộ một vòng quanh bãi biển vào lúc bình minh, khi khung cảnh đẹp nhất mà lại có ít người qua lại. Ngoài ra, các sự kiện biểu diễn ngoài trời cũng thường xuyên được tổ chức ở Losari.
Thánh đường Hồi giáo 99 nóc nằm tại một góc bãi biển Losari, trên khoảng đất lấn biển được chính quyền thành phố đắp hơn một thập niên trước. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhiều du khách đã cảm thấy ngưỡng mộ trước sự kỳ diệu của tòa thánh đường này. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Ridwan Kamil, người hiện là thống đốc tỉnh Tây Java. Nhìn từ trên cao, 99 mái vòm của thánh đường tạo thành hình bông hoa, một mô típ thường thấy trong thẩm mỹ đạo Hồi.
Với các du khách đi cùng con nhỏ, hãy ghé qua Trans Studio, công viên giải trí trong nhà lớn thứ ba thế giới. Công trình được xây dựng bởi Tập đoàn Goddard có kinh nghiệm thiết kế các công viên giải trí của Six Flags và Universal Studios, nên các bậc phụ huynh không có gì phải lo lắng về chất lượng và độ an toàn của các trò chơi. Tại đây còn có trung tâm thương mại với đủ những thương hiệu quốc tế.
Đảo Khayagan chỉ cách Makassar 20 phút đi xuồng. Trên đảo trước đây có một ngôi làng đánh cá, nhưng nay toàn bộ Khayagan đã được chuyển đổi thành khu resort được những vị khách yêu thích sự tĩnh lặng chọn làm nơi trú chân. Du khách ở đây có thể tản bộ quanh những gốc cây cổ thụ hay nằm dài trên bãi tắm để thưởng vị làn gió biển mằn mặn.
Khi nói tới lặn biển, thật khó có thể bỏ qua đảo Samalona. Từ chỗ là mảnh đất không người, nay đảo Samalona đã trở thành điểm đến nổi tiếng về lặn biển. Rạn san hô phong phú quanh hòn đảo là ví dụ điển hình cho hệ sinh thái biển tây Indonesia. Du khách có thể lặn với bình dưỡng khí hoặc không, luôn yên tâm vì có hướng dẫn viên lặn hỗ trợ mọi lúc.
Làng Rammang-Rammang cách trung tâm Makassar 40km, nằm lọt thỏm giữa các ngọn núi đá vôi, bên cạnh một hồ nước. Rặng núi bao quanh làng là một trong những khu vực địa hình karst lớn nhất thế giới, chỉ sau các “rừng đá” Tsingy ở Madagascar và Thạch Lâm ở Trung Quốc. Sự biệt lập của ngôi làng giúp việc bảo tồn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân địa phương ở đây đạt tới mức gần như hoàn hảo. Du khách cũng có thể dễ dàng tìm cho mình một cơ sở homestay trong làng.
Thời điểm đẹp nhất tại Rammang-Rammang là lúc mặt trời mọc, khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua lớp sương mù tràn xuống từ đỉnh núi. Du khách cũng không thể bỏ qua hoạt động chinh phục những đỉnh núi đá vôi lởm chởm hay tự mình chèo xuồng dọc theo con sông chảy vào thung lũng. Toàn bộ khu vực Rammang-Rammang đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và đang hướng tới việc được công nhận là Di sản thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết