Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Những điểm mới cần lưu ý

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 15-12 với nhiều điều chỉnh liên quan trực tiếp đến thí sinh đang thu hút sự quan tâm của xã hội và nhà giáo, học sinh.

Thời gian nhận ý kiến đóng góp kéo dài đến ngày 15-2-2024. Theo ghi nhận ban đầu, các nội dung điều chỉnh, bổ sung tại dự thảo cơ bản nhận được sự đồng thuận bởi không chỉ tạo thêm thuận lợi cho thí sinh, mà còn giúp công tác tổ chức dạy học, thi cử ổn định.


Một tiết ôn tập của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Ổn định phương thức, thuận lợi cho thí sinh

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 vẫn được giữ ổn định về phương thức.

Theo đó, kỳ thi được tổ chức với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học); 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông).

Cô giáo Cao Thanh Hà, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) nhận định, kỳ thi cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức với các bài thi, môn thi như năm 2023 nên sẽ tạo thuận lợi để học sinh yên tâm ôn luyện. Đây cũng là cơ sở để giáo viên tiếp tục triển khai việc ôn tập cho học sinh theo kế hoạch, chuẩn bị cho học sinh có hành trang tốt nhất về cả tâm thế và kiến thức, kỹ năng.

Năm nay, Bộ đưa vào dự thảo quy chế yêu cầu: Thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp; thí sinh tự do được đăng ký các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp. Đây là điều thí sinh cần lưu ý bởi nếu đăng ký bài tổ hợp này lại làm bài tổ hợp kia, hoặc đăng ký cả hai bài tổ hợp là sai quy chế, có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

Ghi nhận chung, dự thảo lần này điều chỉnh, làm rõ thêm một số nội dung trước đây chưa đề cập kỹ, tạo sự thống nhất trong thực hiện và yên tâm, thuận lợi cho thí sinh. Đơn cử như cho phép thí sinh được đăng ký thi ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ học ở trường phổ thông.

Cũng liên quan đến môn ngoại ngữ, Bộ cho phép thí sinh được chọn đăng ký thi một trong số các tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật và Hàn.

Một số nội dung đáng quan tâm

Bên cạnh những quy định được cho là thuận lợi hơn, dự thảo cũng có một số nội dung mới đáng quan tâm. Cụ thể, đây là lần đầu tiên Bộ đưa vào quy chế thi danh mục các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi, gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Là người từng nhiều năm được giao nhiệm vụ làm trưởng điểm thi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho rằng, quy định này giúp thầy, trò có được thông tin rõ ràng, cụ thể để tham gia kỳ thi với tâm thế nghiêm túc. Còn em Trần Thị Khánh Linh, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, các năm trước chỉ có quy định được mang vào phòng thi những gì, nay rõ thêm về những vật dụng bị cấm. Điều này giúp chúng em tránh được tình huống vi phạm quy chế mà không biết vì sao.

Một trong những nội dung của dự thảo đang khiến dư luận có nhiều ý kiến là quy định về miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo dự thảo, thí sinh có 17 loại chứng chỉ ngoại ngữ thuộc 6 thứ tiếng (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật) có thể được miễn thi và được công nhận đạt điểm 10. Với quy định mới, dự báo sẽ có thêm nhiều thí sinh được miễn thi ngoại ngữ. Tuy nhiên, quy định thí sinh đạt mức IELTS 4.0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm hoặc TOEFL iBT 45 điểm được quy đổi thành điểm 10 bài thi ngoại ngữ là quá dễ và cần xem xét lại.

Cách đây không lâu, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng thông tin sẽ xem xét lại mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi xét miễn thi và tính điểm môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời nghiên cứu thêm về việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thay thế thi ở mức độ nào là hợp lý.

Tuy nhiên, dự thảo vừa công bố lại chưa có sự điều chỉnh nào. Việc ban hành quy định động viên, khích lệ thí sinh học ngoại ngữ là cần thiết, nhưng mức độ ưu tiên như thế nào cho phù hợp với từng giai đoạn và bảo đảm công bằng giữa các thí sinh cần được xem xét kỹ.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục