Giáo viên vùng cao chuyển đổi số

- Với nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2023 được coi là một năm bản lề trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học. Để có những “điểm sáng” trong giáo dục, rút ngắn khoảng cách giữa học sinh vùng khó và vùng thuận lợi cần rất nhiều sự quyết tâm, nỗ lực, không quản ngại gian khó của những thầy cô giáo vùng cao.

Tiên phong đi đầu

Tại xã Bình Xa (Hàm Yên), cùng với sự đổi thay diện mạo từng ngày nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác giáo dục ở đây cũng đang có nhiều bước tiến mới. Đón chúng tôi trong một ngày nắng đẹp, cô giáo Lê Thu Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Bình Xa tươi cười giới thiệu từng khu lớp học khang trang. Không chỉ được cải thiện về cơ sở hạ tầng, năm nay, trường đã có nhiều đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy.

Cô giáo Lê Thu Thảo cho biết, THCS Bình Xa hiện có 468 em học sinh, trong đó gần 50% các em là con em dân tộc Dao, Tày, Hoa, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Thậm chí trước đó, có nhiều em học sinh còn chưa biết máy tính là gì, mạng Internet như thế nào. Trước tình hình đó, mặc dù nhà trường không được lựa chọn triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong năm học 2022 - 2023, thế nhưng cô đã xung phong đăng ký thực hiện với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất và sớm nhất để các em học sinh được tiếp cận phương pháp học mới cùng nhiều phần mềm học tập hữu ích.

Giờ lên lớp ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của cô giáo Lê Thu Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Bình Xa (Hàm Yên).

“Nhà trường bắt đầu triển khai công tác chuyển đổi số gần như từ con số 0. Các lớp học không được kết nối mạng internet. Các thầy cô chưa biết về chữ ký số, sổ điểm điện tử… Mọi thứ vô cùng khó khăn!” - cô Thảo chia sẻ. Với quyết tâm “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, các thầy cô trong trường đã cùng nhau tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Đến nay, 100% các lớp học của nhà trường được trang bị ti vi có kết nối Internet, các em học sinh được học tập với màn hình tương tác thông minh, các phần mềm học tập trực tuyến, học trên máy chiếu, trải nghiệm thí nghiệm ảo…

Những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số của thầy và trò trường THCS Bình Xa đã tác động không nhỏ đến nhận thức của giáo viên và học sinh. Các thầy cô chủ động trong giảng dạy, quản lý học sinh, tương tác với phụ huynh, các em học sinh được tiếp cận thông tin đa chiều, được khơi dậy khả năng khám phá, tìm tòi mở mang kiến thức trong học tập. Tuy chỉ là một trường học cấp xã, nhưng trường THCS Bình Xa đã vươn lên trở thành trường đứng thứ 2 toàn huyện về giáo dục mũi nhọn.

Cơ hội học tập thay đổi tương lai

Để tiếp cận công nghệ thông tin không còn là “giấc mơ” đối với các em học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cần nhiều sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là quyết tâm của người đứng đầu cũng như các thầy cô giáo trong trường học.   

Linh Phú là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa, việc tiếp cận công nghệ thông tin với các em học sinh trước kia hoàn toàn chỉ là con số không. Dáng người nhỏ nhắn, phong thái nhanh nhẹn, ít người biết rằng thầy giáo Đinh Văn Dũng, giáo viên bộ môn Tin học, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Linh Phú là người cần mẫn dẫn dắt các em học sinh tiếp cận với máy tính, mạng Internet.

Thầy Dũng chia sẻ: “Cũng giống như các em mới vào lớp 1 phải bắt đầu học A, B, C… thì các em học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận với máy tính cũng cần phải từng chút một từ việc làm quen các thiết bị đến hướng dẫn sử dụng. Với các em, công nghệ thông tin là khái niệm hoàn toàn mới mẻ”. Ngày đêm cần mẫn xây dựng bài giảng sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, thầy Dũng là một trong những tấm gương sáng tạo, tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin ở ngôi trường trên rẻo cao được nhiều học sinh và thầy cô yêu mến.

10 năm gắn bó với ngôi trường vùng sâu, vùng xa, thầy giáo Nguyễn Đức Trọng, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Công Đa (Yên Sơn) luôn chủ động tìm tòi, xây dựng những bài giảng sinh động, dễ hiểu, có thể trình chiếu trên máy tính để các em học sinh hiểu bài nhanh và hứng thú với việc học tập. Bên cạnh việc sử dụng các thiết bị giảng dạy trực quan, thầy cũng hướng dẫn các em tìm hiểu về các lợi ích của công nghệ thông tin, cách sử dụng Internet sao cho an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng mạng xã hội và sa đà vào các trang web có nội dung xấu độc.

Thầy Trọng bảo “Công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh trong việc tìm hiểu thông tin, kiến thức thông qua mạng internet. Bởi vậy, bên cạnh truyền cảm hứng học tập, thầy cô cũng cần lắng nghe những suy nghĩ từ đó định hướng cho các em có những suy nghĩ và hành động đúng theo lứa tuổi, chuẩn mực đạo đức”.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là mục tiêu xuyên suốt được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện nghiêm túc trong những năm qua. Dù còn nhiều khó khăn so với các trường học ở trung tâm, thế nhưng các thầy cô giáo vùng cao đã không ngừng nỗ lực học tập, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin với mong muốn tạo ra cơ hội học tập, mở ra tương lai mới cho các em học sinh.

Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục