Đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của cà-phê thế giới

Việt Nam là nước có sản lượng cà-phê lớn thứ hai thế giới, song chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu thô. Với Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, UBND tỉnh Đắk Lắk nỗ lực nâng tầm chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhằm đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố cà-phê của thế giới.

Đại diện Ban Tổ chức Lễ hội cà-phê trao đổi về các hoạt động trong lễ hội.

Sáng 10/2, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội Cà-phê Buôn Mê Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà-phê thế giới”.

Lễ hội cà-phê Buôn Mê Thuột diễn ra từ ngày 10 đến 14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh.

Sau 7 lần tổ chức, Lễ hội đã trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà-phê Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và quốc tế.

Lễ hội lần này gồm có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng Lễ hội của các địa phương.

Lễ hội lần này sẽ có một số hoạt động mới như: Cuộc thi video clip giới thiệu về cà-phê Buôn Ma Thuột với chủ đề: “Chuyện kể về cà-phê Buôn Ma Thuột”; biểu diễn vở ca kịch Khát vọng Đam San; lễ hội ánh sáng; triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Văn hóa cà-phê Việt Nam - hành trình kiến tạo văn hóa thế giới”, “Lịch sử cà-phê thế giới”; hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà-phê...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột định hướng tổ chức 2 năm 1 lần nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam.

Lễ hội từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà-phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Hoạt động cũng là cơ hội để tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà-phê.

Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà-phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi tại cuộc họp báo, đại diện một số doanh nghiệp cà phê trên địa bàn Đắk Lắk cũng công bố những phương án để “nâng tầm” giá trị cà-phê Việt, chú trọng tới chất lượng, thương hiệu, để ghi dấu cà-phê Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa cà-phê Việt thành di sản.

Tại Lễ hội lần này, Ban Tổ chức tiếp tục mời Hoa hậu H'Hen Niê làm đại sứ truyền thông.

Hoa hậu H’Hen Niê cho biết cô là người con Ê Đê, ngay từ lúc còn nhỏ cô đã biết vị cà-phê và phụ ba mẹ lên rẫy, trồng và chăm sóc cà-phê. Do đó, cô vô cùng hạnh phúc khi được góp phần lan tỏa, chia sẻ tình yêu cà-phê, văn hóa cà-phê của Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung tới tất cả mọi người. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây cà-phê, giúp người nông dân được nâng cao thu nhập.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục