Tạo sự đồng thuận
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định mục tiêu: “Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”. Để thực hiện mục tiêu đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, cụ thể với 11 đề án, 1 chương trình, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Mỗi đề án, chương trình đều có các giải pháp riêng đối với từng lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong 5 năm tới.
Bám sát Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội của BCH Đảng bộ tỉnh, từng cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch, đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tổ chức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện nghị quyết đại hội.
Để sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, ngay trong những ngày đầu năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết đại hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được các cấp ủy, các ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ với nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Cùng với việc khẩn trương triển khai nhiệm vụ công tác năm, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương trong toàn tỉnh cũng đã phát động các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo động lực để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo nghị quyết đại hội đề ra.
Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là địa phương có vùng chuyên canh chè hàng hóa lớn.
Ảnh: Quang Hòa
Cụ thể hóa nghị quyết
Đáng chú ý trong nhiệm kỳ mới này, để cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần này của tỉnh đã xây dựng đều khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những đề án có tầm chiến lược. Cụ thể hóa nghị quyết và thực hiện mục tiêu của Đề án này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung xây dựng các đề án gồm: Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025; Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2035; Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2019 - 2025... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng tập trung củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản. Tiếp tục chú trọng xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản hàng hóa, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Trước yêu cầu thu hút đầu tư, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, coi đó là động lực phát triển. Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới, thực hiện nghị quyết Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh đã cụ thể bằng việc xây dựng “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin”. Thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm mới, UBND tỉnh đã triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể hóa các giải pháp, Sở Giao thông - Vận tải đã triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngay từ những ngày đầu năm mới, trong đó tập trung phối hợp tổ chức các điều kiện chuẩn bị xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; chủ trì xây dựng và trình phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn (trên 223 Km) và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn (trên 38 cầu); tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C…; chủ trì, phối hợp chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng các dự án quan trọng thực hiện mục tiêu đột phá của tỉnh trong 5 năm tới. Theo Sở Giao thông - Vận tải, việc triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn bắt đầu khởi động từ tháng 4-2021. Các huyện, thành phố đã sẵn sàng triển khai thực hiện đề án để góp phần thực hiện tốt các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, BCH Đảng bộ thành phố cũng đã cụ thể hóa thành 31 nội dung công việc trên tất cả các lĩnh vực. BCH Đảng bộ thành phố sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; lập Đề án xây dựng trung tâm thành phố Tuyên Quang theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025; ban hành nghị quyết của HĐND thành phố về hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, lát vỉa hè, trồng cây xanh khu dân cư theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch đưa “Lễ hội Thành Tuyên” là sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu cấp quốc gia và “Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La” là sản phẩm du lịch tâm linh mang tầm thương hiệu cấp khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc...
Bên cạnh các Đề án nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong nhiệm kỳ mới này, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước, cũng như để tiếp tục thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như nghị quyết Trung ương, của Chính phủ, tỉnh đã xây dựng “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng thời thực hiện “Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025”. Có thể nói, đây là những quyết sách được người dân mong đợi nhất, thể hiện ý Đảng, lòng dân, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng, Nhà nước ta.
Với 11 đề án, 1 chương trình, BCH Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện.
Một mùa xuân mới đang đến gần, với niềm hân hoan, phấn khởi của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng với niềm tin và khí thế mới sẽ là động lực để toàn hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên có những hành động thiết thực, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đưa tinh thần, ý chí của nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết