Ký ức về Đại hội trong lòng dân
Trong những ngày cả nước hân hoan đón xuân mới, chào mừng thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng tôi trở về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình cùng bà con nhân dân nơi đây ôn lại những năm tháng đầy tự hào, nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Đồi Nà Loáng hiện lên với bạt ngàn màu xanh của cọ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây là một vùng rừng núi hiểm trở nhưng rất thuận lợi cho việc liên lạc. Từ Kim Bình có thể cơ động đi Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, xuống Tuyên Quang về xuôi hoặc đi tắt qua đường rừng sang căn cứ địa Tân Trào. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo bí mật để Trung ương Đảng lựa chọn Kim Bình là nơi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ II.
Phố Trinh xã Vinh Quang trong ngày chuẩn bị đón Tết.
Trên đồi cọ này, tại hội trường lợp lá, cách đây 70 năm, Đại hội lần thứ II của Đảng đã diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951 với sự tham gia của 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết, đại diện cho 766.349 đảng viên đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia. Đại hội đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam là đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam và đưa ra hoạt động công khai. Cũng từ Đại hội ấy, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sứ mệnh của cách mạng cũng như vận mệnh của cả một dân tộc được quyết định. Sau Đại hội lần thứ II của Đảng, hội trường Nà Loáng còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại như: Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ I.
Ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Tày, thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình, là thành viên của một trong những gia đình có truyền thống cách mạng và đã được tham gia phục vụ cho Đại hội. Năm nay 84 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Đại hội. Ông Bảo tâm sự, lúc đó ông 14 tuổi được giao nhiệm vụ trông kho thóc. Ngày đó, ông còn được cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc dạy cho biết chữ, học thêm ông trở thành cán bộ xã. Mãi sau này ông mới biết chuyện xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Đại hội bảo đảm an toàn, bí mật, theo đúng lời Bác Hồ căn dặn: “Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì”.
Ông Ma Văn Như, thôn Làng Khây 1, xã Kiên Đài kể lại, Trung ương Đảng, Bác Hồ về đây chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ II, lúc đó ông mới có 10 tuổi, ông chỉ biết có cán bộ về đây làm việc. Sau này ông được biết Bác Hồ đến ở và làm việc tại căn lán nhỏ trên đồi Cốc Xá, thôn Khuôn Mạ. Tại đây, Bác đã chủ trì nhiều phiên họp quan trọng của Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội II, hoàn thiện báo cáo chính trị của Đại hội. Cũng tại đây, Bác đã chủ trì phiên họp trù bị của Đại hội II, chỉ đạo thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt. Nhân dân Kiên Đài vinh dự được chứng kiến cái Tết kháng chiến của Bác cùng các cán bộ Trung ương - Tết Tân Mão 1951.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng
Đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình hôm nay càng thấm thía hơn bài học thành công của Đại hội II năm nào. Trên mảnh đất này năm xưa, ý Đảng, lòng dân đã hội tụ, kết tinh thành sức mạnh dân tộc để làm nên thành công của Đại hội và nhân thêm niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Mảnh đất Kim Bình đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, nhà cao tầng, cửa hàng, cửa hiệu san sát, sầm uất. Năm 2015, Kim Bình là một trong 7 xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành nông thôn mới đã mang lại diện mạo mới trên quê hương cách mạng. Kim Bình hiện đã có phòng khám đa khoa, 13/13 thôn có nhà văn hóa và sân thể thao, các trường học đều được công nhận là trường chuẩn quốc gia, hệ thống giao thông cơ bản đã được bê tông hóa… Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,1 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2015. Cách đây 5 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hưu, thôn Kim Quang có 1 cửa hàng tạp hóa nhỏ, đến nay gia đình chị đã đầu tư mở rộng thêm cửa hàng khác rộng gấp nhiều lần với hàng trăm sản phẩm hàng hóa, đồng thời chị còn mở thêm quán cà phê, cơ sở lưu trú phục vụ du khách. Không chỉ có gia đình chị Hưu, trên địa bàn có hàng trăm hộ gia đình kinh doanh dịch vụ. Theo thống kê của xã, thương mại, dịch vụ trên địa bàn có mức tăng trưởng trung bình gần 9%/năm. Đại hội Đảng bộ xã Kim Bình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt trên 60 triệu đồng, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hội trường Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa tháng 2-1951.
Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, nhiều năm qua, Vinh Quang luôn được đánh giá là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chiêm Hóa. Bà con nhân dân năng động, tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế. Trên địa bàn có hàng trăm mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng cây sả, cây gấc, mía đường. Phát triển dịch vụ cũng là một trong những thế mạnh của xã. Hiện nay, toàn xã có trên 400 hộ kinh doanh dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra mục tiêu trong năm 2021 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong những ngày này, cả nước đang hân hoan vui mừng trước thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì với những người dân thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình có thêm niềm vui kỷ niệm 70 năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Niềm vui đó càng khơi lên sức mạnh, sự nỗ lực và đoàn kết của chính quyền và người dân nơi đây phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết