Lan tỏa văn hóa đọc
Bắt đầu từ năm 2022, hình ảnh chiếc xe Thư viện lưu động, tủ sách cộng đồng đến các trường học, bản làng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để phục vụ học trò và đồng bào dân tộc thiểu số đã trở nên quen thuộc.
Từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức, xây dựng được 20 tủ sách cộng đồng ở các xã, thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Bình quân mỗi năm phục vụ lưu động 85 điểm trường, xã, thôn, bản. Các tủ đựng sách được trang bị trên 272 đầu sách các môn, loại gồm 5.900 cuốn sách sắp xếp theo các chủ đề. Các chuyến xe lưu động đi cơ sở, phục vụ cho gần 100.000 lượt bạn đọc, nhất là học trò vùng cao.
Đưa sách, truyện đến với các em học sinh trường Tiểu học và THCS Sơn Phú (Na Hang).
Em Phạm Lan Anh, học sinh trường THCS Đông Lợi, huyện Sơn Dương vui vẻ nói: “Mỗi lần thấy xe thư viện lưu động đưa sách đến trường, em và các bạn rất vui khi được đọc rất nhiều sách hay, bổ ích. Khi đọc sách em biết thêm nhiều điều về cuộc sống hơn”.
Cũng nhờ đọc và mượn sách từ tủ sách cộng đồng được đặt ở nhà văn hóa ủy ban xã, anh Ma Văn Tùng xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn có cơ hội nghiên cứu, tìm kiếm những thông tin liên quan đến phát triển kinh tế, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, anh còn biết thêm nhiều nền văn hóa của các đồng bào dân tộc khác trên mọi miền Tổ quốc.
“Việc đọc sách không chỉ đơn giản là việc tiếp nhận thông tin, mà còn là một quá trình học hỏi, mở rộng tư duy và thay đổi cách nhìn. Trước giờ chúng tôi không có nhiều sách để đọc. Giờ thì khác rồi, có sách nhiều hơn, tôi học thêm từ đất đai, rừng núi, từ cách trồng lúa, chăm sóc gia súc và đặc biệt là từ những lễ hội, những câu hát, những câu chuyện cổ truyền” - chị Lý Thị Kia, dân tộc Mông, xã Đông Thọ (Sơn Dương) bày tỏ.
Tạo sự gắn kết cộng đồng
Bà Đỗ Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Việc duy trì Thư viện lưu động và hỗ trợ xây dựng các tủ sách cộng đồng cho các xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, tri thức cho người dân vùng khó khăn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân trong việc tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự gắn kết trong các buổi giao lưu văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Đối với cộng đồng, văn hóa đọc có khả năng tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh và đoàn kết. Chị Đỗ Thị Thanh Ngoan, cán bộ văn hóa xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương chia sẻ: “Đọc sách không chỉ là một hoạt động cá nhân mà còn có thể trở thành cầu nối mạnh mẽ tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Khi mọi người cùng chia sẻ và thảo luận về một cuốn sách, những câu chuyện, kiến thức trong sách sẽ giúp họ hiểu nhau hơn, từ đó tạo ra một không gian giao lưu, học hỏi và sẻ chia. Việc tổ chức các buổi đọc sách nhóm, kể chuyện hoặc thảo luận về sách có thể giúp nâng cao nhận thức, kết nối các thế hệ trong cộng đồng, từ trẻ em đến người cao tuổi”.
Vào lúc rảnh rỗi, cuối tuần hay những lúc sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa xã, người dân xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa lại cùng nhau ngồi đọc sách, chia sẻ những cuốn sách hay và trò chuyện. Qua việc đọc sách cùng nhau, sự gắn kết trong cộng đồng được hình thành, văn hóa đọc cũng được lan tỏa từ thôn này sang các thôn khác. Cứ thế, việc đọc sách trở nên quen thuộc, đến gần hơn với bà con nơi đây.
Đưa văn hóa đọc về vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc. Ở đó, đọc sách cũng là một cách học, chia sẻ những cuốn sách cho người khác là chia sẻ tri thức cùng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết