Theo Reuters, nguồn đạn pháo đang là một trong những nhu cầu cấp thiết nhất đối với Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát, đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực củng cố tiền tuyến dài khoảng 1.000 km.
Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã công bố gói viện trợ trị giá 478 triệu euro dành cho Ukraine. Tuy nhiên, khoản viện trợ này tách bạch với sáng kiến của Séc về viện trợ đạn dược cho Ukraine.
Thông qua quyết định sẽ cung cấp cho Ukraine 180.000 quả đạn pháo với trị giá 576 triệu euro, tổng mức hỗ trợ của cả hai biện pháp lên đến hơn 1 tỷ euro.
Đức sẽ viện trợ thêm nhiều đạn pháo cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Ngoài Đức, nhiều quốc gia khác cũng đã đăng ký tham gia sáng kiến do Séc dẫn đầu nhằm mục đích cung cấp thêm hàng trăm nghìn quả đạn pháo cho Ukraine. Phần hỗ trợ từ Đức sẽ chiếm 40% tổng số đạn pháo viện trợ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, Đức có thể dành thêm 9 tỷ euro cho quốc phòng từ năm 2028 nếu tỷ lệ nợ chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn 60%, cũng là mức mục tiêu do Liên minh châu Âu (EU) đề ra.
Giai đoạn 2020-2022, chính phủ Đức đã cấp các khoản vay khẩn cấp với tổng trị giá khoảng 300 tỷ euro để ứng phó với đại dịch toàn cầu và liên quan xung đột Ukraine.
Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” hồi tháng 2-2022, Đức đã lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro để mua sắm các loại vũ khí hiện đại. Quốc gia này cũng cam kết đạt được mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Gửi phản hồi
In bài viết