Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (Ðà Nẵng) trở lại hoạt động bình thường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong quý IV/2021 đã tăng trưởng tích cực ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với giá trị tăng thêm 6,52% so cùng kỳ.
Nhanh chóng thích ứng
Trong năm 2021, ngành công nghiệp ô-tô dù chịu ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh, nhưng nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ (như giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước), sản lượng sản xuất và doanh số tiêu thụ ô-tô sản xuất trong nước các tháng cuối năm 2021 đã phục hồi trở lại, kéo tổng sản lượng sản xuất ô-tô cả năm đạt khoảng 300 nghìn chiếc, tăng hơn 9,1% so năm 2020. Ngành ô-tô trong năm 2021 cũng đã chứng kiến hai sự kiện đặc biệt: Vinfast ra mắt các mẫu xe điện chạy pin đầu tiên lắp ráp trong nước tại Việt Nam với mục tiêu hướng đến thị trường quốc tế và Thaco lần đầu xuất khẩu xe sơ-mi rơ-moóc sang thị trường Hoa Kỳ. Các sự kiện này chứng minh năng lực sản xuất trong nước trong các ngành cơ khí, ô-tô đã có nhiều tiến bộ, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, giá cả trên thị trường quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành dệt may cũng đã nhanh chóng thích nghi tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. Nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành, cùng với sự phục hồi của nhu cầu thế giới, xuất khẩu dệt may trong năm 2021 có sự cải thiện tích cực so với năm đầu xảy ra dịch Covid-19; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2021 ước đạt 32,74 tỷ USD, tăng 9,8% so năm 2020. Tương tự với ngành da-giày, xuất khẩu đã có sự cải thiện đáng kể với kim ngạch đạt 17,65 tỷ USD, tăng 4,9% so cùng kỳ.
Kết quả chung trong năm 2021, ngành công nghiệp đã duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng 4,82%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Cơ cấu nền kinh tế cũng chứng kiến thay đổi với sự tăng lên đáng kể của ngành công nghiệp (từ 27,53% năm 2020 lên 31,91% năm 2021), trong đó đóng góp chủ yếu từ công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25,1% năm 2021). Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), mức tăng này không phản ánh sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp mà chủ yếu do sự suy giảm của các ngành dịch vụ do tác động bởi dịch bệnh. Đại dịch xảy ra chính là cơ hội nhìn lại điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp nói riêng cũng như đánh giá cơ hội, thách thức để có thể tận dụng điểm mạnh, cơ hội nhằm đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế trong nước, nhanh chóng thích nghi với trạng thái bình thường mới trong và sau đại dịch.
Triển vọng lạc quan
Dự báo về triển vọng trong năm 2022, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP đã có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, có tới 81,7% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I/2022 tiếp tục khả quan và ổn định hơn so với quý IV/2021. Mặt khác, 83,3% số doanh nghiệp cũng dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2022 sẽ tăng hoặc giữ nguyên so với quý IV/2021 (37,2% tăng, 46,1% giữ nguyên); chỉ 16,7% doanh nghiệp dự báo giảm. Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ, căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch Covid-19, cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các doanh nghiệp năm 2022, dự kiến năm 2022, tăng trưởng toàn ngành da giày-túi xách sẽ đạt khoảng từ 23 đến 25 tỷ USD, tăng từ 10 đến 15% so năm 2021.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng phải đối mặt không ít khó khăn. Đó là mức độ hồi phục của sản xuất phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Doanh nghiệp sẽ vừa phải nhanh chóng thích ứng dịch bệnh để duy trì, phát triển, vừa phải bắt kịp với đà phục hồi và các xu hướng phát triển mới trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang dựa vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ phải chịu tác động của việc giá cả hàng hóa cơ bản, nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng, giá cước vận tải chưa có dấu hiệu giảm,… khiến chi phí đầu vào tăng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2021, nhiều lao động trở về quê, việc quay trở lại làm việc trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động đối với các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử. Để phấn đấu đạt mục tiêu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng khoảng từ 7 đến 8%, đại diện Cục Công nghiệp cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế. Cùng với đó, tập trung điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết