Duy tu, bảo dưỡng đường để giảm thiểu tai nạn

- Công tác bảo trì, duy tu các công trình giao thông đường bộ đã được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm kéo dài thời gian sử dụng của công trình giao thông, đảm bảo mặt đường êm thuận, các phương tiện giao thông đi lại được an toàn, thông suốt, nhất là mùa mưa bão, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyên Quang có 7 tuyến quốc lộ chạy qua, gồm Quốc lộ 2, 37, 2C, 279, 3B, 2D và quốc lộ 280 với tổng chiều dài 563,77 km; 4 tuyến đường tỉnh ĐT185, ĐT186, ĐT188, ĐT189 với tổng chiều dài là 451,43 km. Các tuyến đường huyện dài hơn 1.100 km và các tuyến đường đô thị dài hơn 300 km.

Để công tác bảo trì đường bộ đạt hiệu quả, Sở Giao thông - Vận tải đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và của tỉnh trong công tác bảo trì và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, địa phương và vốn sự nghiệp giao thông vận tải để thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hàng năm; lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông - Vận tải ủy thác quản lý.

Khắc phục kịp thời khi có sạt lở Quốc lộ 279 đoạn qua địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và các đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ...

Đồng chí Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo trì đường bộ, Sở đã thường xuyên cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý và xây dựng kế hoạch bảo trì.

Sở thực hiện nhiều giải pháp tích cực để bảo trì, bảo dưỡng và hạn chế đến mức thấp nhất những hư hỏng hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường đã xóa bỏ được ổ gà, điểm mất an toàn giao thông, lún võng trên đường, xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp... Mặt khác, Sở chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đường giao thông trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Đoạn sửa chữa đường bộ (Sở giao thông - Vận tải) cho biết: đơn vị duy trì 6 đội quản lý đường bộ với gần 50 công nhân, người lao động. Trong đó, 6 người làm nhiệm vụ tuần đường, ghi chép đầy đủ diễn biến, tình trạng hư hỏng xảy ra để xây dựng kế hoạch, báo cáo Sở trình UBND tỉnh biện pháp xử lý, khắc phục; thường trực bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa lũ; trực tiếp thi công sạt lở, khơi thông cống, rãnh, phát quang bụi rậm, quản lý biển báo hiệu... Khi có sự cố do mưa lũ sẽ được đơn vị khắc phục ngay. Định kỳ Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra, nghiệm thu, cho điểm đánh giá công tác triển khai, thực hiện của đơn vị. Nhờ thường xuyên đổi mới công nghệ, áp dụng máy móc hiện đại, có phương thức quản lý mới, hiệu quả nên đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo trì các tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 160 km.

 Để thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục quản lý chặt chẽ hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, tiến hành nghiệm thu khối lượng đã thực hiện theo các điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh công tác kiểm tra và chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả của thiên tai, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của Nhân dân.  

Với nhiều giải pháp quyết liệt, cơ bản các tuyến đường trên địa bàn tỉnh thông suốt 4 mùa, tăng độ bền của các tuyến đường, góp phần đảm bảo ATGT.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục