Nguồn: Reuters
Ngày 20-3, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khẳng định, hệ thống tài chính châu Âu có đủ thanh khoản và khả năng phục hồi tốt, trong bối cảnh giá cổ phiếu Credit Suisse giảm gần 62% sau khi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý thâu tóm đối thủ đang gặp khó này với giá 3,23 tỷ USD.
Tuyên bố chung giữa Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu và Hội đồng Giải quyết thống nhất (SRM) nêu rõ, hệ thống ngân hàng của châu lục này có khả năng phục hồi tốt, với mức vốn và khả năng thanh khoản cao, đồng thời khẳng định ủng hộ đối với động thái của Chính phủ Thụy Sĩ khi chấp thuận việc UBS tiếp quản Credit Suisse, cho rằng đây là biện pháp cần thiết nhằm "đảm bảo ổn định tài chính".
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp - thành viên Hội đồng Thống đốc của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Francois Villeroy de Galhau đã bày tỏ ủng hộ đối với động thái mua lại Credit Suisse của UBS, đồng thời khẳng định, hệ thống ngân hàng Pháp vẫn ổn định, có lợi nhuận, có thanh khoản và mức vốn cao.
Phát biểu trên đài France Inter, ông Francois Villeroy de Galhau tái khẳng định mục tiêu chống lạm phát của ECB và đưa ra dự báo cho rằng, giá nông sản toàn cầu sẽ giảm vào tháng 6, theo đó giúp hạ nhiệt giá lương thực.
Trong khi đó, người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, nhà lãnh đạo này đã duy trì liên lạc với Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset trong những ngày qua, đồng thời đang theo dõi chặt chẽ các thông tin thị trường thông qua Kho bạc và Ngân hàng Anh. Thủ tướng Sunak cũng khẳng định sự ủng hộ đối với động thái mua lại Credit Suisse của UBS.
Tương tự như phía Anh, Chính phủ Đức bày tỏ ủng hộ việc UBS mua lại Credit Suisse đang gặp khủng hoảng, cho rằng động thái này giúp khôi phục thị trường có trật tự và đảm bảo ổn định tài chính.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Đức cho biết, hệ thống tài chính nước này ổn định, trong khi các cơ quan giám sát tài chính của Đức và châu Âu đang phối hợp để giám sát thị trường chặt chẽ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các vụ thâu tóm quy mô lớn như vậy tại quốc gia này là cực kỳ hiếm. Trước đó, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cho biết, mục tiêu của giải pháp này là “giảm thiểu rủi ro".
Khi công bố thỏa thuận hôm 19-3, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset khẳng định, đây là giải pháp tốt nhất không chỉ cho Thụy Sĩ, mà còn cho sự ổn định tài chính trên phạm vi toàn cầu.
Theo Tổng thống Berset, số phận của Credit Suisse không chỉ có ý nghĩa quyết định đối với các công ty, khách hàng tư nhân và nhân viên của Credit Suisse, mà còn với sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính Thụy Sĩ và châu Âu.
Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ (SBA) đã khẳng định, các ngân hàng nước này "rất an toàn", khi có cơ sở vốn mạnh mẽ và khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh khủng hoảng.
Theo SBA, tài sản gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ hoặc tổ chức tài chính nước ngoài có chi nhánh ở Thụy Sĩ phải được cấp phép, quản lý và giám sát bởi Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ FINMA.
Mặt khác, luật Thụy Sĩ cũng yêu cầu các tiêu chuẩn về vốn để đảm bảo khả năng thanh toán. SBA cho rằng, các bước này có vai trò như một biện pháp an toàn bổ sung.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter nhận định, việc Credit Suisse rơi vào phá sản có thể gây ra rối loạn kinh tế nghiêm trọng, thậm chí tạo ra những gánh nặng vượt ngoài biên giới nước này. Do đó, Bộ trưởng Keller-Sutter nhấn mạnh, việc UBS tiếp quản Credit Suisse đã đặt nền móng cho sự ổn định tài chính ở cả Thụy Sĩ và quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết, việc sáp nhập đã nâng cao vị thế ngân hàng của ông với tư cách là nhà lãnh đạo quản lý tài sản toàn cầu với tổng tài sản đầu tư hơn 5 nghìn tỷ USD. Ông Kelleher khẳng định, thương vụ này sẽ giúp củng cố UBS với tư cách là ngân hàng toàn cầu quan trọng nhất của Thụy Sĩ.
UBS đã đồng ý mua Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ theo thỏa thuận được công bố ngày 19-3 trị giá 3,2 tỷ USD. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sĩ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20-3 (giờ địa phương).
Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB - ngân hàng trung ương) đã đồng ý cung cấp hạn mức thanh khoản 100 tỷ USD cho Credit Suisse như một phần của thỏa thuận.
Gửi phản hồi
In bài viết