Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, PGS, TS Đặng Hoài Bắc, Hiệu trưởng PTIT trong buổi lễ ký kết hợp tác.
Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoC) đã được ký kết hôm 28/8 giữa bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, và PGS, TS Đặng Hoài Bắc, Hiệu trưởng PTIT, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Trong khuôn khổ hợp tác, Ericsson sẽ cung cấp nền tảng học tập số Ericsson Educate cho sinh viên PTIT, mở ra cơ hội tiếp cận nhiều tài nguyên học tập đa dạng.
Ericsson cũng sẽ hợp tác nghiên cứu với PTIT trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, đồng thời mang đến các cơ hội học tập kết hợp kinh nghiệm thực tiễn (WIL) như tham gia vào các dự án hay chương trình thực tập cho sinh viên.
Bên cạnh đó, Ericsson sẽ hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) trong các sáng kiến nâng cao kỹ năng, chuẩn bị cho việc triển khai 5G trên toàn quốc.
Ericsson Educate là một cổng thông tin toàn diện về kỹ năng số, cung cấp kiến thức nền tảng về các lĩnh vực công nghệ trọng yếu như 5G, AI, machine learning, tự động hóa, blockchain, điện toán đám mây, khoa học dữ liệu, IoT và viễn thông.
Bằng cách tích hợp nội dung từ nền tảng Ericsson Educate, sinh viên và các chuyên gia tại PTIT có quyền truy cập vào các nguồn học tập số chất lượng cao, tận dụng chuyên môn sâu rộng của Ericsson trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông (ICT).
Đây là lần thứ hai Ericsson hợp tác chính thức với một cơ sở giáo dục tại Việt Nam theo chương trình 'Ericsson Educate', thể hiện cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số. Với mục tiêu trở thành nền kinh tế số, việc nâng cao kỹ năng của sinh viên về 5G và các công nghệ tiên tiến sẽ giúp Việt Nam khai thác triệt để tiềm năng của 5G, thúc đẩy quá trình số hóa quốc gia.
Bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, chia sẻ: "Hợp tác giữa Ericsson và PTIT là một bước tiến quan trọng để phát triển lực lượng lao động kỹ năng cao, là yếu tố chủ chốt trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Thông qua mối quan hệ đối tác này, Ericsson mong muốn đóng góp sức mình trong xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ hỗ trợ cho tương lai số của Việt Nam".
PGS, TS Đặng Hoài Bắc, Hiệu trưởng PTIT, chia sẻ: “Sự hợp tác với Ericsson sẽ giúp sinh viên của chúng tôi tiếp cận kiến thức về các công nghệ tiên tiến như 5G, AI, tự động hóa, Machine Learning, và nhiều lĩnh vực khác, cũng như nhận được những kinh nghiệm và hiểu biết thực tế trong ngành. Điều này sẽ giúp các em phát huy các công nghệ này hiệu quả ngay khi tham gia vào lực lượng lao động, góp phần thúc đẩy đất nước trên hành trình hướng tới nền kinh tế số".
Ericsson đặt mục tiêu hỗ trợ chương trình Công nghiệp 4.0 và các mục tiêu kinh tế số của Việt Nam thông qua việc giáo dục sinh viên, triển khai cơ sở hạ tầng hiện đại, và khuyến khích các nhà phát triển sáng tạo ra những ứng dụng mới.
Gửi phản hồi
In bài viết