EU lùi công bố kế hoạch chấm dứt phụ thuộc năng lượng của Nga sang tháng 5: Tham vọng bị thách thức

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022 cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 16 gói trừng phạt, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than và dầu, cũng như cấm nạp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga vào các cảng của EU.

Kế hoạch chấm dứt phụ thuộc năng lượng của Nga được ấn định vào tháng 3, đã bị trì hoãn hai lần và dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6-5 tới. Dù vậy, giới quan sát cho rằng, sự tự chủ về an ninh năng lượng vẫn là một thách thức không nhỏ với EU.

eu-nga.jpg

EU đang lên kế hoạch chi tiết để không phải nhập khẩu khí đốt từ Nga trong hai 2 năm tới. Ảnh: Bruegel

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022, EU đã chi hơn 206 tỷ euro cho nhiên liệu hóa thạch từ Nga, trong đó 48% là khí đốt. Sự phụ thuộc lâu đời vào nguồn năng lượng của Mátxcơva khiến Brussels phải đối mặt với nguy cơ vũ khí hóa năng lượng và rủi ro về nguồn cung, nhất là khi phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Điều này càng đáng lưu tâm khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa có hồi kết trong khi nhiều quốc gia thuộc EU lại chủ trương đối đầu, làm suy giảm sức mạnh của Nga.

Các nước EU, dẫn đầu là Đức, đã làm rất nhiều để cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Theo Tổ chức Nghiên cứu Bruegel (Bỉ), từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2023, EU đã cắt giảm 94% lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga (16 tỷ USD mỗi tháng xuống còn 1 tỷ USD mỗi tháng) và lượng than nhập khẩu là con số không. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, một số quốc gia thành viên EU vẫn nhập khẩu một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mátxcơva. Đặc biệt, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan và Bulgaria vẫn có nhu cầu nhập nguồn nhiên liệu của Nga, tạo ra thách thức phức tạp cho EU trong việc cắt đứt mối quan hệ năng lượng với quốc gia này.

Đây là điều dễ lý giải khi giá nhiên liệu nhập từ Nga rẻ hơn nhiều so với nhập từ các nước khác. Không kể, hệ thống cơ sở vật chất đã được vận hành lâu nay để nhập nhiên liệu từ Nga vẫn hoạt động trơn tru. Nếu thay quốc gia cung cấp nguồn nhiên liệu cũng đồng nghĩa phải thích ứng, đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất mới dẫn đến mất thời gian, tốn kém.

Một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (CSD) nhận định: “Mặc dù xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang phương Tây đã giảm sau các lệnh trừng phạt nhưng vẫn còn những lỗ hổng rõ ràng trong chế độ trừng phạt”. Năm 2024, EU nhập khẩu kỷ lục 16,5 triệu tấn LNG từ Nga, vượt qua con số 15,2 triệu tấn vào năm 2023. Cách tiếp cận phân mảnh của EU đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga khiến tổ chức này không thể tạo nên sự thống nhất trong việc đưa ra những quyết sách trong quan hệ với Nga.

Tính từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022 cho đến nay, EU đã thông qua 16 gói trừng phạt. Các lệnh trừng phạt đã dẫn đến việc dầu của Mátxcơva hiện chỉ chiếm 3% tổng lượng nhập khẩu của EU, giảm đáng kể so với mức trước xung đột là 25%. Bên cạnh đó, việc liên tục thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng cũng làm giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Hồi đầu tháng 2, các quốc gia vùng Baltic đã đồng bộ hóa với lưới điện châu Âu, có nghĩa là các nước Baltic hiện đã hoàn toàn độc lập với hệ thống điện của Nga và Belarus. Rõ ràng, EU đã có bước tiến đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Dan Jorgensen, Ủy viên châu Âu phụ trách Năng lượng và Nhà ở là xóa bỏ các mối quan hệ năng lượng còn lại với xứ sở Bạch dương vào năm 2027. Chiến lược đầy tham vọng này tập trung loại bỏ nguồn cung cấp LNG, dầu và nhiên liệu hạt nhân của Nga. "EU phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế và đạt được sự độc lập hoàn toàn về năng lượng”, ông Dan Jorgensen nói. Cũng theo ông Dan Jorgensen, kế hoạch và cách thức thực hiện ban đầu được ấn định vào tháng 3, đã bị trì hoãn hai lần sẽ chính thức công bố vào ngày 6-5 tới.

Bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga là cơ hội để EU điều chỉnh chiến lược an ninh năng lượng. Trong khi đó, thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine hết hạn vào cuối tháng 12-2024 đã làm tăng thêm tính cấp bách của chiến lược này của EU. Đây là lý do khiến EU phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch để đạt được các mục tiêu về khí hậu, sự tự chủ về an ninh năng lượng, cũng như thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế của EU. Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức với EU.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục