Iran sẽ giảm mức độ làm giàu uranium nếu nhận được sự bảo đảm từ Mỹ

Ngày 18-4, Apa.az trích lời một quan chức cấp cao của Iran cho biết, Tehran sẵn sàng giảm mức độ làm giàu uranium nếu nhận được sự đảm bảo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân tiềm năng.

messenger_creation_5ebbc075-fbe9-48ac-afe4-6096cec54e6c.jpeg

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi. Ảnh: APA

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã đặt ra "lằn ranh đỏ" mà theo đó, bất kể kết quả đàm phán với Mỹ như thế nào, Iran sẽ không tháo dỡ các máy ly tâm làm giàu uranium và sẽ không dừng hoạt động này hoàn toàn.

Iran cũng sẽ không đồng ý giảm kho dự trữ uranium làm giàu xuống dưới mức thỏa thuận năm 2015, vị quan chức này cho biết.

Ngoài ra, Tehran lưu ý chương trình tên lửa của Iran không thể nằm trong phạm vi của thỏa thuận hạt nhân và sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán với Mỹ. "Trong các cuộc đàm phán gián tiếp tại Oman, Tehran hiểu rằng Washington không yêu cầu Iran ngừng mọi hoạt động hạt nhân và đây có thể là cơ sở chung để hai bên bắt đầu một cuộc đàm phán công bằng".

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi từng nêu trong các cuộc thảo luận giữa Iran và Mỹ vào ngày 12-4 tại Muscat (Oman), Tehran sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) như một sự đảm bảo rằng các hoạt động hạt nhân của nước này là hòa bình. Tuy nhiên, ông Araghchi nhấn mạnh điều này chỉ có thể xảy ra nếu các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ và tài chính của Iran được dỡ bỏ.

Vào ngày 12-4, các cuộc đàm phán gián tiếp đã diễn ra tại Muscat giữa các đại diện của Mỹ và Iran dưới sự trung gian của Oman để giải quyết căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Phái đoàn Iran do Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi dẫn đầu, trong khi phía Mỹ do Đặc phái viên của Tổng thống, ông Steve Witkoff làm trưởng đoàn.

Theo Bộ Ngoại giao Iran, cuộc họp diễn ra hiệu quả và cả hai bên đều đồng ý tiếp tục thảo luận.

Ngày 17-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce thông báo rằng vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Rome (Italia) vào ngày 19-4.

Các cuộc đàm phán ở Oman đánh dấu sự tham gia cấp cao đầu tiên giữa các quan chức của hai nước kể từ năm 2022, nhằm mục đích giải quyết những căng thẳng lâu dài về chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu Iran từ chối thỏa thuận.

Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã đăng trên mạng xã hội X vào đầu tuần này: “Iran phải dừng lại và loại bỏ hoạt động làm giàu hạt nhân để đạt được thỏa thuận với Washington”. Bài viết này nhấn mạnh khoảng cách trong kỳ vọng giữa hai bên.

Iran đã ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng hợp tác với IAEA, coi đây là "cơ quan duy nhất có thể chấp nhận được trong quá trình này" để xác minh bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của Cộng hoà Hồi giáo. Đổi lại, Tehran mong đợi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực dầu mỏ và tài chính quan trọng của họ.

Một quan chức cấp cao của Iran cho biết, Tehran đã chuyển lời tới Washington rằng sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn nhất định đối với chương trình làm giàu uranium của mình, nhưng chỉ khi nhận được sự đảm bảo chắc chắn rằng Tổng thống Donald Trump hoặc bất kỳ chính quyền nào trong tương lai sẽ không một lần nữa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, áp đặt lại các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran và tái lập chiến dịch "gây sức ép tối đa". JCPOA ban đầu nhằm mục đích kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Kể từ khi Mỹ rút lui, Iran đã dần vi phạm các giới hạn làm giàu uranium được đặt ra theo thỏa thuận, phương Tây lo ngại rằng Tehran có thể đang tiến gần hơn đến việc đạt được khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, một cáo buộc mà Iran kiên quyết phủ nhận.

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực vẫn ở mức cao, với các cuộc không kích của Israel nhằm vào khoảng 40 mục tiêu ở Gaza trong 24 giờ qua, kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục