Người tị nạn Ukraine đi sơ tán ở Przemysl, Ba Lan, ngày 8/3/2022. (Ảnh: REUTERS)
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Ủy viên Nội vụ EU, bà Ylva Johansson, cho rằng, làn sóng người tị nạn từ Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, và EU có thể phải tiếp nhận thêm hàng triệu người nữa.
Trong 12 ngày kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã tiếp nhận số người tị nạn nhiều hơn cả số lượng của 2 năm 2015 và 2016 cộng lại, thời điểm mà xung đột ở Syria đã gây ra làn sóng người di cư ồ ạt từ Trung Đông và châu Phi đến châu Âu.
Bà Johansson cho biết, cho đến nay, hơn 1 triệu người tị nạn từ Ukraine đã đến Ba Lan, gần nửa triệu người đến Romania và hơn 100 nghìn người sang Hungary và Slovakia. Đây là 4 quốc gia thành viên EU có biên giới với Ukraine về phía đông.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 8.000 người Ukraine nộp đơn xin tị nạn trong tuần trước, trong khi hầu hết đi sơ tán đến nhà bạn bè và người thân đã sống trong khối.
Theo Ủy viên Nội vụ EU, tất cả người tị nạn Ukraine đều được phép đi qua biên giới các nước thành viên EU. Khối này cũng đã quyết định cho phép người Ukraine đi sơ tán được làm việc, cho con em đi học, nhận nhà ở và hưởng phúc lợi xã hội một cách nhanh chóng trong khối.
Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cùng ngày cho biết, cơ quan này có thể phải sớm điều chỉnh tăng số lượng người tị nạn Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo, so với con số cũ 4 triệu người khi xây dựng kế hoạch viện trợ nhân đạo trước đây.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 2 triệu người Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã rời đất nước đi lánh nạn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nhưng theo ông Filippo Grandi, người đứng đầu UNHCR, đây có thể chỉ là những con số ban đầu.
Trước đó cùng ngày, phát biểu tại 1 cuộc họp báo, ông Grandi cho rằng, sau làn sóng người tị nạn đầu tiên từ Ukraine, có khả năng sẽ có làn sóng thứ hai, bao gồm những người dễ bị tổn thương hơn, những đối tượng có thể thiếu sự trợ giúp do không có bạn bè và người thân.
Quan chức Liên hợp quốc cảnh báo, nếu xung đột vẫn tiếp diễn, làn sóng người di cư từ Ukraine sẽ trở nên phức tạp hơn để ứng phó đối với các nước châu Âu, đòi hỏi không chỉ có sự phối hợp giữa các nước châu Âu nói riêng.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến sớm sẽ phê duyệt khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 1,4 tỷ USD cho Ukraine, nhằm ứng phó khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết, cuộc xung đột đã gây ra 1 cú sốc cho nền kinh tế thế giới, khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao, đẩy hàng triệu người phải di dời và làm xói mòn niềm tin kinh doanh.
Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cũng cho rằng, còn quá sớm để dự báo tác động của chiến sự lên nền kinh tế toàn cầu và các biện pháp trừng phạt sâu rộng mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga. Theo bà Georgieva, chưa rõ nền kinh tế Nga sẽ suy giảm thế nào nhưng suy thoái là "rất có thể xảy ra".
Trước đó 1 ngày, ban điều hành Ngân hàng Thế giới đã thông qua gói khoản vay và viện trợ không hoàn lại tổng trị giá 723 triệu USD cho Ukraine. Người phát ngôn WB cho biết, số tiền này dự kiến sẽ được chuyển cho Chính phủ Ukraine trong vài ngày tới.
WB cũng thông tin thêm, đang tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ 3 tỷ USD khác cho Ukraine trong những tháng tới, đồng thời hỗ trợ thêm cho các quốc gia láng giềng tiếp nhận người tị nạn Ukraine.
Gửi phản hồi
In bài viết