Giá dầu thế giới quay về ngưỡng đầu tháng 3. Ảnh: Trading Economics.
Cụ thể, giá dầu WTI đã giảm hơn 15 USD, tương đương 12%, xuống 108,7 USD/thùng. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 11-2021. Đầu tuần này, dầu WTI từng đạt mức 130 USD/thùng, cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Tương tự, dầu Brent giảm 16,8 USD, tương đương 13%, xuống 111,1 USD/thùng, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4-2020. Hôm 7-3, giá dầu Brent đạt 139 USD, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Dù hạ nhiệt, so với một tháng qua, giá dầu thế giới vẫn tăng tương đối cao, trên dưới 23%.
Theo Reuters, Iraq mới đây cho biết họ có thể tăng sản lượng nếu OPEC+ yêu cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát tín hiệu cho biết UAE sẵn sàng hỗ trợ OPEC+ tăng sản lượng.
“Mức giá 130 USD/thùng khiến thị trường dầu mỏ đắm trong tâm lý lo sợ gián đoạn nguồn cung từ Nga. Việc OPEC không có động thái và tình hình tại Ukraine leo thang chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Mọi thứ giờ đã được đảo ngược ở một mức độ nào đó”, John Kilduff, nhà phân tích của Again Capital, nhận xét.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế đã phải giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ để bù đắp cho việc gián đoạn nguồn cung. Cơ quan này cho biết đây chỉ là phản ứng ban đầu và có thể xả dầu thêm nếu cần thiết.
“Thế giới đang làm việc cùng nhau để giải quyết tình trạng giá dầu tăng vọt và điều đó đã đặt giá dầu thô lên đỉnh trong ngắn hạn”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận xét.
Trong diễn biến gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào thị trường Mỹ hôm 8-3.
Anh là quốc gia tiếp theo có hạn chế riêng đối với hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời cho biết sẽ loại bỏ dần hàng hóa nhập khẩu của nước này vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu mới đây cũng công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Gửi phản hồi
In bài viết