Trong hai ngày 17-18/4, hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ nhằm đạt được sự nhất trí trong việc đối phó với những thách thức đang diễn ra hiện nay. (Ảnh: TTXVN phát)
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Lục địa già đối mặt nhiều thách thức về địa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Một loạt vấn đề cấp bách cần EU giải quyết, nổi bật là xây dựng chiến lược phòng thủ chung nhằm đối phó thách thức an ninh, tình hình nhân đạo tại Gaza, khoảng cách kinh tế với Mỹ ngày càng lớn và nguy cơ tụt hậu về công nghệ, tăng cường an ninh lương thực…
Tăng cường nội lực
Vấn đề lớn đầu tiên được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường lần này là tình hình bạo lực leo thang ở Trung Đông sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel. Các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời phát đi thông điệp cần thiết để kêu gọi bình tĩnh, tránh bất kỳ hành động bạo lực nào có thể gây ra hậu quả khôn lường tại khu vực. Hội nghị cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tìm kiếm đồng thuận trong việc đối phó với những thách thức an ninh toàn cầu và EU cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để duy trì ổn định và hòa bình tại khu vực.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, EU đứng trước yêu cầu tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU nên chú trọng vào sự đổi mới nhằm bảo đảm châu Âu có được lợi thế đối với các công nghệ mới đang được triển khai trong nhiều cuộc xung đột khác nhau trên khắp thế giới.
Chủ tịch EC cũng cho rằng, mối đe dọa chiến tranh có thể chưa cận kề nhưng điều đó không có nghĩa là không thể xảy ra. EU nên chuẩn bị cho mọi kịch bản. Điều này nên bắt đầu với nhu cầu cấp thiết trong việc tái xây dựng, bổ sung và tăng cường năng lực cho các lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên.
Tháng 3 vừa qua, EU đã đưa ra chiến lược trị giá 1,5 tỷ euro nhằm đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều quan chức cho rằng con số này là không đủ. Pháp, Estonia và nhiều thành viên khác đã nêu nhu cầu về một chương trình lớn hơn với nguồn tài chính có thể vay chung lên tới 100 tỷ euro.
Tuy nhiên, nỗ lực đó đã vấp phải sự phản đối từ các quốc gia muốn cắt giảm chi tiêu, do Đức dẫn đầu. Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục phải tìm kiếm sự đồng thuận.
Gia tăng sức cạnh tranh
Thách thức khác mà EU đối mặt là việc thúc đẩy nền kinh tế châu Âu. EU lo ngại vị thế của khối suy yếu so với các đối thủ chính, trong khi Mỹ thu hút ngày càng nhiều đầu tư và Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp. Các nhà lãnh đạo EU đề xuất các biện pháp kích thích để tái tăng cường sức mạnh kinh tế của khu vực. Các biện pháp này bao gồm việc đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, cũng như hợp tác thương mại quốc tế. EU còn được cảnh báo có nguy cơ tụt hậu hơn nữa so với Mỹ, nếu không có điều chỉnh đáng kể đối với thị trường chung.
Các doanh nghiệp châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột tại Ukraine, nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng vọt, cũng như từ các biện pháp trợ cấp và việc nới lỏng quy định. Các số liệu cho thấy, kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2023, thấp hơn so với mức 2,5% của Mỹ. Khoảng cách tăng trưởng giữa EU và Mỹ đang ngày càng lớn và Liên minh cờ xanh cần khẩn trương hành động.
Bên cạnh đó, EU cũng đang quan ngại về nguy cơ bị tụt hậu về các công nghệ quan trọng trong tương lai, liên quan tấm pin năng lượng Mặt trời, pin điện, chíp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). EU ước tính cần thêm 620 tỷ euro mỗi năm để tài trợ cho tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và số hóa. EU cần huy động vốn đầu tư tư nhân, tuy nhiên các công ty khởi nghiệp châu Âu đang gặp phải khó khăn trong tiếp cận vốn lớn, khiến họ phải tìm kiếm đầu tư ở các quốc gia khác. Ước tính mỗi năm sẽ có hơn 300 tỷ euro tiền tiết kiệm tại EU được đầu tư vào thị trường Mỹ. Trước tình hình này, EU cần thiết lập một liên minh tiết kiệm và đầu tư để ngăn chặn dòng tiền châu Âu chảy sang các thị trường khác.
Tạo sức mạnh kinh tế
Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào việc xem xét lại các chính sách kinh tế hiện có và tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới để tăng cường sức cạnh tranh của châu Âu trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, việc thúc đẩy môi trường kinh doanh tích cực và bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong các quan hệ thương mại cũng được coi là yếu tố quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế châu Âu, trong bối cảnh bức tranh kinh tế khu vực còn ảm đạm.
EC dự báo thâm hụt ngân sách tổng thể của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong năm 2024 giảm còn 2,8% GDP, so với mức 3,2% của năm 2023, sau đó tiếp tục xuống 2,7% GDP vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo lạm phát tiêu dùng sẽ giảm từ 5,4% năm 2023 xuống 2,3% năm 2024, 2,0% năm 2025 và 1,9% năm 2026.
Tình hình kinh tế và tài chính, cũng như sự phối hợp và quản lý chặt chẽ các chính sách kinh tế vĩ mô của EU cũng là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay. Giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc EU tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nhằm đạt tiến bộ mang tính quyết định hướng tới một Liên minh Thị trường vốn sâu sắc hơn.
Tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một chính sách tài chính thắt chặt hơn đối với Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) kể từ năm 2025, giúp giảm lạm phát và ổn định tài chính công sau tình trạng chi tiêu quá mức do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Hội đồng châu Âu đã tán thành khuyến nghị yêu cầu thực thi lập trường tài khóa tổng thể chặt chẽ hơn ở khu vực EEA. Quy định mới được cho là phù hợp hơn với triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực về nhu cầu tăng cường tính bền vững tài chính, hỗ trợ quá trình giảm phát đang diễn ra và duy trì các chính sách linh hoạt trước tình hình bất ổn.
Việc tạo ra một thị trường vốn chung hoạt động tốt và hiệu quả thông qua việc thúc đẩy Liên minh thị trường vốn (CMU) là điều cần thiết đối với châu Âu. CMU được coi là một trong những thành phần quan trọng trong trọng tâm đổi mới về khả năng cạnh tranh của Eurozone. Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường lần này, chiến lược hội nhập thị trường vốn cũng được thảo luận sâu hơn.
Trước những thách thức an ninh và thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, các nước EU đang huy động mọi nguồn lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Hơn bao giờ hết, Lục địa già cần phát huy nội lực và tinh thần đoàn kết hơn nữa, nhằm tìm tiếng nói chung để có thể vượt qua các “cú sốc”, phục hồi nền kinh tế và duy trì vị thế của khối.
Gửi phản hồi
In bài viết