Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga) sang châu Âu. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Tuần trước, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước này từ chối thanh toán khí đốt bằng ruble. Với việc nhiều công ty châu Âu đối mặt với thời hạn thanh toán vào cuối tháng 5 này, EU đang tích cực làm rõ liệu các công ty có thể tiếp tục mua nhiên liệu mà không vi phạm lệnh trừng phạt Nga hay không.
Theo nguồn tin các nhà ngoại giao EU, khối có kế hoạch áp đặt lệnh cấm theo từng bước đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga từ cuối năm nay. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến đề xuất áp dụng lệnh cấm nêu trên từ cuối năm 2022 và sẽ không triển khai ngay lập tức nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thời gian đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu. Tuy nhiên, một số nước, trong đó có Áo, Italia và Hungary vẫn lo ngại về tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế của chính các nước châu Âu.
Ðức tuyên bố sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận từng bước của toàn EU đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Theo Bộ Kinh tế Ðức, nước này đang nỗ lực cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ của Ðức. Than đá từ Nga cũng giảm mạnh so với mức 45% tổng lượng nhập khẩu trước đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cáo buộc rằng, hơn 300 tỷ USD của Nga đã bị "đánh cắp" do các nước phương Tây tịch thu số tiền dùng để mua khí đốt của Nga. Các khoản thanh toán được chuyển vào tài khoản của Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga nhưng bị giữ lại trong các ngân hàng phương Tây. Nga đã yêu cầu thanh toán bằng ruble để ngăn chặn tình trạng trên.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết, quân đội Nga sẽ không điều chỉnh nhiều các hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong bất kỳ ngày nào, kể cả Ngày Chiến thắng, được tổ chức kỷ niệm tại Nga vào ngày 9/5 tới. Ông Lavrov nhắc lại lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin là bảo đảm an ninh cho dân thường, không để xảy ra bất kỳ mối đe dọa nào trên lãnh thổ Ukraine liên quan vũ khí tấn công và tình trạng "phát-xít hóa".
Trong khi đó, Ðan Mạch, Hàn Quốc tuyên bố mở lại đại sứ quán tại Ukraine trong ngày 2/5. Pháp, Anh, Hà Lan gần đây đã thông báo chuyển các đại sứ quán trở lại Kiev. Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Slovakia, Slovenia, Séc, Bồ Ðào Nha… cũng đã mở lại đại sứ quán ở Ukraine. EU đã nối lại sứ mệnh ngoại giao tại Kiev, trong khi Mỹ đang đưa các nhà ngoại giao trở lại Ukraine.
Phát biểu trong chuyến thăm Senegal, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kép về lương thực, năng lượng và tài chính trên khắp châu Phi. Ông Guterres lo ngại, chi phí gia tăng đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói, dẫn đến bất ổn xã hội. Liên hợp quốc ước tính, khoảng 250 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực do hậu quả từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Gửi phản hồi
In bài viết