Châu Á
Ngày 27-5, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 7.857 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này tăng lên những mức cao nhất từ trước tới nay.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 3.323 ca nhiễm mới, trong đó 1.219 ca ở các nhà tù. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, chính phủ đã đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân ở những khu vực có nguy cơ, những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền.
Philippines cũng ghi nhận thêm 6.483 ca mắc mới và 210 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 1.200.430 và 20.379. Nước này cũng sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer/BioNTech đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 649 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 633 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 4 ca tử vong trong 24 giờ qua. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định đưa thêm 2 làng vào “Khu vực Vàng đậm” - khu vực có mức độ lây nhiễm Covid-19 ở mức trung bình, vì số ca mắc mới Covid-19 tại đây đang tăng lên. Các biện pháp hạn chế đi lại để phòng, chống dịch đối với “Khu vực Vàng đậm” bắt đầu có hiệu lực tại 2 làng này từ ngày 27-5 đến 9-6 tới.
Lào ghi nhận 12 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 4 ca lây nhiễm cộng đồng. Bộ Y tế Lào cho biết, mặc dù số ca nhiễm trong cộng đồng trên cả nước chỉ ở mức 1 con số nhưng ở thủ đô Viêng Chăn hiện vẫn có 29 vùng đỏ tại 6 quận và vẫn chưa thể dự báo khi nào làn sóng dịch lần này sẽ kết thúc. Dù chính quyền các cấp đã có các quy định phòng dịch rõ ràng, nhưng vẫn còn hiện tượng người dân vi phạm, dẫn tới việc xuất hiện các ổ dịch mới, đặc biệt là tại các gia đình. Ngoài ra, việc phần lớn các ca bệnh lần này không có triệu chứng và vẫn đi làm bình thường đã khiến dịch bệnh lây lan tới nhiều công sở, công ty, tổ chức và nhà máy, làm phát sinh các ca bệnh mới mỗi ngày.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Ấn Độ đã tăng trở lại trên ngưỡng 200.000 ca. Cụ thể, nước này có 211.298 ca mắc mới và 3.847 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Theo thống kê cập nhật, số ca trên đã nâng tổng số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ lên lần lượt là 27,37 triệu ca và 325.235 ca.
Châu Đại dương
Ngày 27-5, chính quyền bang Victoria của Australia công bố lệnh phong tỏa toàn bang trong vòng một tuần nhằm ngăn chặn một cụm dịch mới bùng phát ở phía Bắc thành phố Melbourne. Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi các cơ quan y tế bang ghi nhận 11 ca mắc mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 26 ca. Các cơ quan chức năng hiện đã xác định được 10.000 người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, cũng như hơn 100 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm.
Quyền Thủ hiến bang James Merlino thông báo, từ nửa đêm 27-5 đến hết ngày 3-6, tất cả người dân bang Victoria chỉ được phép ra khỏi nhà trong 5 trường hợp gồm: Mua thức ăn và vật dụng cần thiết, đi làm, khám bệnh, tập thể dục tối đa 2 giờ mỗi ngày và đi tiêm chủng. Trong thời gian phong tỏa, các sự kiện, hoạt động đông người đều không được tổ chức; các trường học (trừ nhà trẻ và mẫu giáo) đều tạm thời đóng cửa và chuyển sang hình thức học trực tuyến; nhà hàng, quán giải khát chỉ bán đồ mang đi, mọi người phải đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà…
Châu Âu
Theo CNN ngày 27-5, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, có tới 3/4 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới được chẩn đoán ở nước này là do biến chủng ở Ấn Độ. Theo ông M.Hancock, sự gia tăng các trường hợp này tập trung ở một số “điểm nóng” nhất định và hiện các cơ quan y tế đang tăng cường tiêm chủng ở những khu vực đó.
Từ ngày 31-5, Pháp sẽ áp dụng quy định cách ly bắt buộc đối với những người từ Anh tới, trong bối cảnh số ca nhiễm biến chủng B.1.617 có khả năng lây lan cao được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đang gia tăng tại nước láng giềng này. Thời gian cách ly bắt buộc là 7 ngày và các du khách tới nước này phải xuất trình chứng nhận đã xét nghiệm sàng lọc Covid-19 không quá 48 giờ trước khi khởi hành.
Tại hội nghị về tiêm chủng ngày 27-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc tiêm chủng, trong đó có vấn đề phân bổ vắc xin ở các bang, chứng nhận tiêm chủng và đặc biệt là tiêm chủng cho trẻ em. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng A.Merkel cho biết, tới cuối mùa hè này, những người từ 12 tuổi trở lên ở Đức đều có thể được tiêm chủng với vắc xin BioNTech/Pfizer. Sau khi kế hoạch ưu tiên tiêm chủng kết thúc vào ngày 7-6 tới, có thể ngay lập tức tiêm chủng hoặc đặt hẹn tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Ngày 27-5, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi người dân Nga tiêm vắc xin ngừa Covid-19, song cũng nhấn mạnh việc tiêm chủng là dựa trên tinh thần tự nguyện. Nhà lãnh đạo Nga phản đối việc đưa tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trở thành quy định bắt buộc.
Châu Mỹ
Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) ngày 27-5 đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp vắc xin Covid-19 cho những người nhập cư trái phép đang bị tạm giữ, khi đang có sự gia tăng ca mắc trong các khu tạm giam này. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) đã phải vật lộn với các trường hợp dương tính với vi rút SARS-Cov-2 ngày càng tăng với tổng cộng hơn 15.000 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế công cộng Peru Gustavo Rosell mới đây cho biết, ước tính đã có 70.000 người Peru ra nước ngoài để tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Các chuyến bay từ thủ đô Lima đến Mỹ đã được đặt kín đến tháng 6, và số người đi từ Peru sang Mỹ đã tăng gấp bốn lần, từ 10.000 người trong tháng 2 lên 40.780 người vào tháng 4.
Khu vực Mỹ Latinh đang thiếu trầm trọng vắc xin ngừa Covid-19. Tính đến ngày 21-5, các nước Mỹ Latinh và Caribe đã nhận hơn 12 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX), nhưng chương trình này đang bị trì hoãn bởi sự chậm trễ trong hoạt động vận chuyển vắc xin.
Gửi phản hồi
In bài viết