Làn sóng lây nhiễm Covid-19 đã chỉ ra nguồn cung ôxy y tế là điểm yếu lớn của nhiều quốc gia.
Cùng với vắc xin và trang bị bảo hộ, nguồn cung ôxy y tế ổn định rất cần thiết để ứng phó với dịch Covid-19. Theo tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), bài học về thiếu ôxy y tế đã từng xảy ra ở Brazil và Peru trước kia. Năm 2021, thực trạng thiếu ôxy tồi tệ tại Ấn Độ một lần nữa trở thành bài học đắt giá. Trước làn sóng lây nhiễm Covid-19, các bệnh viện ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới rơi vào tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng. Ấn Độ đã buộc phải dừng tất cả hoạt động liên quan tới xuất khẩu ôxy dạng lỏng. Thậm chí, quốc gia này phải điều máy bay tới các nước khác để xin chi viện ôxy nhưng mọi nỗ lực không đủ để hạn chế số ca tử vong gia tăng. Thực trạng thiếu ôxy y tế ở Ấn Độ cũng ảnh hưởng tới các nước láng giềng như: Pakistan, Nepal, Bangladesh, Myanmar... bởi lâu nay họ phụ thuộc vào nguồn cung ôxy từ New Delhi.
Kịch bản ở Nam Á dường như đang lặp lại. Leith Greenslade, điều phối viên của Liên minh Every Breath Counts (gồm 48 thành viên là các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ), cảnh báo ít nhất 4 cụm quốc gia tại Đông Á, Trung Đông, châu Phi và Trung Âu có nguy cơ thiếu ôxy, trong khi Mỹ Latinh ở mức độ "khủng hoảng". Theo Nhật báo The Guardian (Anh), có 19 nước mới tiêm chủng phòng Covid-19 đạt 20% dân số nhưng xếp đầu bảng về nguy cơ cạn kiệt ôxy. Tương tự, Nepal hiện cần lượng ôxy cao gấp 100 lần so với hồi tháng 3-2021.
Tại những quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhiều bệnh viện vẫn dựa vào chuỗi cung cấp ôxy không ổn định. Do đó, bệnh nhân phải dùng các bình ôxy quá cồng kềnh hoặc các máy tạo ôxy quá nhỏ, không đủ dùng cho bệnh nhân nguy kịch. Ở một số quốc gia, tình trạng thiếu ôxy đã khiến tiểu thương “chợ đen ôxy” tìm mọi cách đẩy giá. Tại Pakistan, một số nhà cung cấp ôxy tư nhân đã tăng gấp đôi, gấp ba giá bán trong tháng 4-2021, quá mức mà người dân có thu nhập trung bình có thể mua được.
Giới chuyên môn cảnh báo, những đợt lây nhiễm mới có thể đẩy hệ thống y tế của nhiều quốc gia đến “bờ vực” do thiếu ôxy. Theo Phó Giám đốc phụ trách dược phẩm thiết yếu của Sáng kiến Tiếp cận y tế Clinton (thuộc Quỹ Clinton - tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton) Zachary Katz, tình hình sẽ vô cùng tồi tệ nếu các đợt lây nhiễm xảy ra cùng lúc trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại là tới nay nhiều nước chưa coi ôxy là một loại vật tư y tế thiết yếu.
Năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cung cấp 160 tỷ USD cho các quốc gia đối phó với dịch Covid-19, nhưng các nước chỉ xin hỗ trợ máy thở và trang bị bảo hộ thay vì cải thiện hạ tầng sản xuất ôxy. Phần lớn hoạt động sản xuất ôxy hiện nay vẫn tập trung phục vụ sản xuất công nghiệp và ôxy y tế mới chỉ chiếm 1% sản lượng ôxy lỏng toàn cầu. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một số quốc gia đã yêu cầu các công ty sản xuất ôxy lỏng ưu tiên cung cấp cho bệnh viện, nhưng khả năng đáp ứng rất hạn chế. Tại Iraq, các công ty khí đốt có thể sản xuất khoảng 64.000m3 ôxy lỏng mỗi ngày, nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của bệnh nhân Covid-19.
Các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 đã làm lộ rõ những điểm yếu của hệ thống y tế nhiều quốc gia, trong đó có vấn đề thiếu hụt nguồn cung ôxy y tế. Vì vậy, cần sớm có chiến lược lâu dài, toàn diện về mặt hàng thiết yếu này.
Gửi phản hồi
In bài viết