Ảnh minh họa.
Số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của đường, so với mức cơ sở 100 của năm 2020, đã tăng lên 141,58 trong tháng 9, cao hơn 16,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này chỉ xếp sau con số 20,7% được ghi nhận hồi tháng 9-2022.
Đối với muối, chỉ số giá tiêu dùng hiện cao hơn 17,3% so với năm 2022, ở mức 167,17. Diễn biến cũng đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ con số 20,9% hồi tháng 8-2022.
Các nhà quan sát thị trường cho rằng, việc Hàn Quốc chứng kiến giá đường và muối lập mặt bằng giá mới là do biến đổi khí hậu gia tăng khiến sản lượng giảm ở các khu vực sản xuất chính. Trong khi đó, khả năng tự cung tự cấp muối của Hàn Quốc chỉ là 10%.
Bối cảnh trên cũng làm dấy lên lo ngại rằng, chi phí bánh mì, bánh kẹo, sữa và các vật tư tiêu hao khác có chứa đường và muối cũng có thể tăng trong thời gian tới. Chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, sau khi đã tăng 3,4% trong tháng 8 và 3,7% trong tháng 9 vừa qua.
Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất đối mặt tình trạng giá đường và muối leo thang. Mới đây, Nepal đã phải nhập khẩu 20.000 tấn đường để bình ổn giá trong nước, trong khi Nga đang đánh giá nhằm giám sát tình trạng đầu cơ của các nhà sản xuất đường lớn ở nước này.
Về phần mình, chính phủ Philippines từ đầu tháng 9 đã đưa ra những cảnh báo trong bối cảnh đảo quốc Đông Nam Á lâu nay vẫn nhập khẩu phần lớn đường, muối và tỏi để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Gửi phản hồi
In bài viết