Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Được công bố chỉ một tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO tại Vilnius (Litva), quyết định mới chỉ định Tổng Thư ký Jens Stoltenberg giữ cương vị lãnh đạo liên minh đến ngày 1-10-2024.
Bày tỏ vinh dự khi nhận được sự tin cậy, cựu Thủ tướng Na Uy viết trên mạng xã hội Twitter: “Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Bắc Mỹ đã bảo đảm tự do và an ninh của chúng ta trong gần 75 năm, và liên minh của chúng ta càng quan trọng hơn bao giờ hết trong một thế giới nhiều nguy hiểm hơn”.
Chính trị gia 64 tuổi người Na Uy sẽ là Tổng Thư ký NATO tại vị lâu thứ hai trong lịch sử liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, chỉ sau Tổng Thư ký Joseph Luns (Hà Lan) - người giữ chức vụ này từ năm 1971 đến 1984.
Bước sang “nhiệm kỳ” mới, ông Jens Stoltenberg sẽ phải điều hành việc cải cách NATO với trọng tâm là củng cố năng lực phòng thủ của khối, cũng như tiến hành các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ như Afghanistan hay vùng Balkans… Quan trọng hơn, nhà lãnh đạo này phải cân nhắc việc NATO nên mở rộng sức ảnh hưởng như thế nào ở khu vực châu Á.
Việc NATO đưa ra quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Tổng Thư ký đương nhiệm được xem là tất yếu, sau nhiều tháng cả 31 thành viên đã dốc sức tìm kiếm một ứng cử viên kế nhiệm nhưng không đạt được đồng thuận. Những ứng cử viên tiềm năng đều đã rời khỏi cuộc cạnh tranh vì lý do khác nhau.
Nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đáp ứng yêu cầu của một số đồng minh châu Âu, và là nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ của một thành viên EU. Tuy nhiên, các đồng minh ở sườn phía đông Lục địa già lại mong muốn có một nhân vật từ khu vực của họ lên điều hành, nhằm thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Nga.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace rời cuộc đua bởi một nguyên nhân khác. Một số quốc gia chỉ yêu cầu một cựu nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ là có thể đảm nhận trong trách, nhưng Pháp tuyên bố vị trí này nên thuộc về một chính trị gia của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Anh không còn là thành viên EU kể từ ngày 1-2-2020.
Và, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez được cho là trượt khỏi vị trí ứng cử viên tiềm năng vào phút cuối, khi kêu gọi cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng 7 tại Xứ Bò tót, bất chấp nhiều thăm dò gần đây đều thể hiện quan ngại về rủi ro nhà lãnh đạo này mất vai trò người đứng đầu chính phủ.
Các nhà quan sát nhận định, lý do lớn nhất khiến các thành viên NATO tin tưởng duy trì trọng trách của Tổng Thư ký Jens Stoltenberg là nhằm giữ ổn định cho khối trong giai đoạn nhạy cảm. Mặt khác, bản thân kinh nghiệm điều hành và bản lĩnh vững vàng là những phẩm chất mà ông Jens Stoltenberg đã thể hiện ấn tượng trong gần một thập kỷ qua.
Trong con mắt các đồng minh, nhà lãnh đạo này cũng đại diện cho sự ổn định và bền vững của khối, khi đã góp phần ngăn chặn sự chia rẽ, dẫn dắt liên minh vượt qua nhiều sự kiện sóng gió, nhất là giai đoạn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đưa nước này ra khỏi NATO.
Việc giữ cân bằng khi vừa hỗ trợ tối đa cho Ukraine, vừa tránh châm ngòi một cuộc xung đột toàn cầu cũng đã ghi “điểm cộng” cho Tổng Thư ký đương nhiệm.
Trong tuyên bố được Nhà Trắng phát đi, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Với khả năng lãnh đạo, kinh nghiệm và năng lực phán đoán vững vàng của mình, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã đưa liên minh của chúng ta vượt qua những thách thức quan trọng nhất đối với an ninh châu Âu kể từ Thế chiến II”, nhấn mạnh NATO hiện đang “mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn và có mục đích hơn bao giờ hết”.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều đánh giá cao việc NATO đã phát triển mạnh mẽ dưới sự điều hành của ông Jens Stoltenberg, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ hợp tác lâu dài với Tổng Thư ký đương nhiệm.
NATO đã chọn một lối đi an toàn giữa muôn vàn khó khăn và thách thức. Đây là một lựa chọn đúng đắn và kịp thời, nhất là khi chỉ còn một tuần nữa tới Hội nghị Thượng đỉnh tại Vilnius (Litva), nơi liên minh này phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng đối với đường hướng hoạt động trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết