Pháp tăng cường lực lượng cảnh sát trên đường phố nhằm bảo đảm an ninh.
Hiện giới chức Pháp đang tính toán thiệt hại của làn sóng bạo loạn đô thị nghiêm trọng nhất trong gần hai thập kỷ qua và tiến hành điều tra cái chết của một người đàn ông bị cho là trúng đạn cao-su của cảnh sát trong những cuộc bạo loạn ở thành phố Marseille. Ðây là trường hợp đầu tiên được báo cáo thiệt mạng trong làn sóng bạo loạn kéo dài suốt một tuần, bùng phát sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi vì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe trong khi tham gia giao thông ở ngoại ô phía tây thủ đô Paris. Biểu tình đã khiến Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc.
Nghiệp đoàn giới chủ (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp-ước tính làn sóng biểu tình bạo loạn bùng phát từ tuần trước ở nước này đến nay đã gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD. Theo MEDEF, 200 cơ sở kinh doanh, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá đã bị cướp phá. Người đứng đầu MEDEF đánh giá mức độ thiệt hại có thể sẽ gia tăng do lượng đặt phòng khách sạn dự báo giảm vào mùa hè năm nay vì lo ngại tình hình bạo loạn.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire đã gặp gỡ các chủ cửa hàng ở thành phố Arpajon, phía nam thủ đô Paris, để thảo luận về mức độ ảnh hưởng do bạo loạn. Ông cho biết các công ty bảo hiểm Pháp đã đồng ý gia hạn thời gian nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bạo loạn từ 5 ngày lên 30 ngày. Ngoài ra, chính phủ sẽ miễn các khoản thu phí xã hội và tài chính đối với những chủ cửa hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron xác nhận ông đã gặp các thị trưởng của 220 thành phố chịu thiệt hại do làn sóng bạo loạn. Tổng thống Macron hy vọng sớm bắt đầu quá trình làm rõ vụ việc để tìm hiểu lý do sâu xa dẫn đến những sự kiện này. Giải quyết làn sóng bạo lực bùng phát đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với ông Macron kể từ khi nhậm chức vào năm 2017.
Gửi phản hồi
In bài viết