Theo thống kê của ngành Y tế, từ ngày 21 đến ngày 29-1 (từ 30 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), toàn tỉnh có gần 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại các đơn vị y tế. Trong đó có trên 2.200 bệnh nhân vào viện điều trị nội trú, chủ yếu là bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, huyết áp, tim mạch...
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong những ngày đầu năm mới khoa đã có gần 100 trẻ em nhập viện, chủ yếu do các bệnh về suy hô hấp, tiêu chảy, viêm phổi, viêm phế quản.
Bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh thăm khám bệnh nhân mắc phổi mãn tính đang điều trị tại bệnh viện.
Có 2 con đều nhập viện điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Triệu Phương Tăng, huyện Lâm Bình cho biết: Thời tiết trong những ngày qua lạnh quá, cả hai con của anh (đứa 3 tuổi, đứa 6 tháng tuổi) đều viêm họng, sốt cao, viêm phổi nặng nên gia đình phải đưa 2 cháu về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hôm nay các cháu đã cắt sốt và đỡ ho nhiều rồi.
Người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị tái phát các bệnh mãn tính do ảnh hưởng của thời tiết lạnh sâu. Ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình, vừa qua, các bác sỹ đã tiếp nhận liên tục các trường hợp bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh về bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); bệnh nhân lên cơn hen phế quản nặng trên nền bệnh nhân suy tim...
Đặc biệt, mới đây, các bác sỹ khoa Hồi sức Cấp cứu của Trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân Triệu Văn Phâu, tổ dân phố Đon Bả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) nhập viện trong tình trạng da xanh tái, khó thở. “Bố tôi vốn có bệnh hen phế quản mãn tính, tôi nghĩ do thời tiết thay đổi đột ngột là nguyên nhân bị bùng phát đợt cấp của bệnh. Bắt đầu là hiện tượng đột ngột khó thở, gia đình phải đưa luôn bố tôi vào bệnh viện cấp cứu và phải thở máy luôn, được cấp cứu kịp thời. Nhờ có sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sỹ, đến nay sau 5 ngày điều trị sức khỏe của bố tôi đã dần được phục hồi” - anh Triệu Quý Hưng con trai bệnh nhân chia sẻ.
Để phòng ngừa bệnh tật cho người già, trẻ nhỏ trong những ngày lạnh, các bác sỹ khuyến cáo phải luôn giữ ấm cơ thể và không thay đổi nhiệt độ đột ngột. Rất nhiều trường hợp người già đột ngột ra khỏi nhà khi trời lạnh, không mặc áo ấm đã bị nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu não dẫn đến hôn mê.
Bên cạnh đó, cần ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao do huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não. Với người bị bệnh tiểu đường cũng là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Do đó, ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.
Trong chế độ ăn, cần chú ý giảm chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều rau xanh, hạn chế tối đa thực phẩm cay nóng, rời xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia… Riêng với trẻ nhỏ, cần chú ý tẩy giun sán định kỳ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng độ tuổi. Với trẻ 6- 24 tháng cần đặc biệt lưu tâm việc trẻ mọc răng để có sự quan tâm, xử lý kịp thời.
Theo dự báo, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có những đợt rét kéo dài, bởi vậy, người dân cần có những biện pháp chủ động phòng, chống rét. Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ cần mặc ấm, tránh nhiễm lạnh đột ngột, không ra ngoài trời khi lạnh, nhất là buổi đêm và sáng sớm.
Gửi phản hồi
In bài viết