Thơ ca dân gian luôn chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn học dân gian của người Tày, được lưu truyền qua hình thức truyền miệng với nhiều thể loại khác nhau như thơ ca giao duyên, thơ ca nghi lễ.
Trong hát giao duyên, người Tày nổi tiếng với hai thể loại hát Cọi và hát Quan làng (còn gọi là Lượn đám cưới). Lượn của người Tày cũng được chia làm nhiều thể loại khác nhau như lượn mời vào nhà, mời nước, lượn mời trầu, lượn mừng nhà mới, lượn mừng bản, lượn mừng nước, mừng thổ công, lượn mừng hoa - những điệu hát tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp... Điệu hát này luôn được hát theo một trình tự nhất định như: hát căng dây, hát xin lên nhà, hát trải chiếu, hát mời nước, mời trầu, hát mời cơm, hát trình tổ tiên, hát bái tổ, hát nộp dâu... Còn điệu Cọi là những câu hát đối ý nhị, đậm chất trữ tình, như: hát làm quen, kết bạn, hẹn hò...
Người trẻ gìn giữ tiếng đàn Tính quê hương.
Vào các dịp nông nhàn hay những đêm trăng thơ mộng, những chàng trai, cô gái Tày lại mượn lời ca, câu hát để gửi gắm, trao đổi tâm tình với nhau. Lời cô gái “...bè mảng người nhộn nhịp lại qua/thuyền nhỏ đánh cá nơi sông biển/thuyền to chở vòng xuyến bạc vàng.../tiền bạc không có qua với bạn/một thân mình vò võ tương tư...”. Và đó là cơ hội lý tưởng cho chàng trai có cơ hội được mời bạn gái bước xuống thuyền cùng dạo cảnh “Mời em ngồi mảng Bjoóc cho an/mời em tựa thuyền hoa cho vững/hai ta cùng dạo chốn cảnh tiên...”.
Sau cuộc dạo chơi đó, khi đã cập bờ, người con gái hát trả ơn “Ơn anh chèo mảng Bjoóc được an/ơn anh đưa thuyền hoa giúp noọng/mười lần ơn xin trả ơn người/có bạc, em trả anh đầy rá/có ngựa, em thưởng anh cả yên/có lụa, em trả anh cả thước/chẳng có bạc, em thưởng lời cho quan/chẳng có ngựa, em thưởng tiếng cho người/cầu mong anh sớm nên gia thất/nguyện cho người nhà cửa giàu sang...” (Khảm hải). Ngày tháng qua đi, rất nhiều nam thanh, nữ tú đã quen nhau, hiểu nhau, yêu nhau và nên duyên chồng vợ qua các lời hát đối phong phú, sáng tạo, đầy hưng phấn như thế.
Thơ ca nghi lễ (Then) của đồng bào Tày là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, được dùng trong các dịp đám cưới, đám ma, mừng thọ, dựng nhà mới, trong các hoạt động thờ cúng như Then cầu an, Then cầu mùa, Then Cấp sắc... Thực hành nghi lễ Then do các thầy Then đảm nhận để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc...
Bên cạnh thơ ca nghi lễ thì thơ ca dân gian, truyện thơ Nôm Tày cũng rất giá trị, thể hiện ở những nét đẹp của văn hóa ứng xử, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc. Tống Trân - Cúc Hoa là một trong những truyện thơ Nôm như vậy. Tống Trân - Cúc Hoa ngợi ca mối quan hệ ứng xử cao đẹp giữa mẹ chồng và nàng dâu trong gia đình. Những đoạn nói về đạo làm dâu con của Cúc Hoa luôn khiến trái tim người đọc thổn thức với rất nhiều những phân đoạn xúc động. Cúc Hoa, một tiểu thư khuê các, vì tình yêu đã sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống cơ hàn, lam lũ... nàng không nửa lời than thở, mà vẫn luôn động viên, lo lắng cho chồng, chăm sóc, hiếu thuận với mẹ chồng. Đến bữa, nàng nhường cơm, trời rét, nàng nhường chăn ấm cho mẹ chồng, nhận mọi khổ cực về mình “Nàng Cúc Hoa mọi nhẽ đảm đang/Cơm thì nàng để dành lão mẫu/Trưa, chiều nàng cơm độn cám vàng/Để cho mẹ của chồng no bụng” (Tống Trân - Cúc Hoa).
Rồi khi chồng đi sứ xa, một mình Cúc Hoa phải bươn trải, lo toan cuộc sống, nhưng Cúc Hoa vẫn hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Sự chu toàn ấy của nàng khiến mẹ chồng vô cùng cảm động. Bà cũng đã thương yêu Cúc Hoa như con gái ruột của mình. Lời của một người mẹ chồng nói về con dâu đầy yêu thương, cảm kích “Nàng hai bữa trưa, chiều nuôi nấng/Không thì tôi đã chết còn đâu/Ai hơn đạo con dâu chăm sóc/Ơn nàng tôi mới được sống lâu...” (Tống Trân - Cúc Hoa)...
Trong thơ ca Tày hiện đại thì yếu tố dân gian là một trong những dấu ấn độc đáo làm cho thơ của các nhà thơ Tày có mầu sắc riêng, không dễ trộn lẫn: "Ngày xuống núi/Mây vướng chân/Lá trúc non cánh ong/Tiếng lượn đi vòng/Chui vào quả lê ngọt/Làm người ăn cũng xinh/Núi trăm voi rùng rình/Suối như bạc ào ào chảy..." (Người vùng cao - Y Phương), một miền quê vùng cao đậm sắc hương với bao điều để thương, để nhớ: hương cỏ rừng, tiếng mõ trâu, áo phơi sào, tiếng chim chào mào, mùi lê chín... những vần thơ đậm tính dân gian, nặng điệu hồn dân tộc “Đi xa bản lần đầu/Sao mà em không nhớ/Em ơi ta ở đâu/Là bản ta ở đó” (Ta ở đâu bản ta ở đó)...
Với triết lý sống giản dị, sâu sắc, thơ ca dân gian của đồng bào Tày luôn chú trọng khuyên răn, dạy bảo con cháu biết giữ lễ nghĩa, sống lễ độ, khiêm nhường, chân thành, ân nghĩa... cùng với đó là những bài học về mối quan hệ ứng xử giàu tính nhân văn. Chính mạch nguồn cảm hứng này đã góp phần quan trọng làm nên những giá trị độc đáo, đặc sắc cho những tác phẩm thơ ca Tày qua nhiều thế hệ, có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của con người trong việc dựng xây một xã hội tốt đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết