(Ảnh minh họa: Reuters)
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước sáng hôm nay giảm nhẹ và giao dịch gần 67 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:
Tính đến 10 giờ sáng nay (22/6), giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,45 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,07 triệu đồng/lượng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng, tức 67,05 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ đang mua vào ở mức 55,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng tiếp tục đà giảm sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell duy trì quan điểm cứng rắn trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Chủ tịch FED nhấn mạnh sẽ cần phải tăng lãi suất cao hơn nữa để đạt mục tiêu giảm lạm phát. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao và gây áp lực lên kim loại quý.
Giá vàng thế giới sáng 22/6 tiếp đà giảm với vàng giao ngay giảm 5 USD xuống còn 1.931,5 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.944,9 USD/ounce, giảm 3,3 USD so rạng sáng ngày trước đó.
Biểu đồ giá vàng ngày 22/6. (Ảnh: Kitco.com)
Các chuyên gia của Nhà giao dịch kim loại quý MKS PAMP đánh giá thị trường vàng ít nhiều vẫn ổn định trước phát biểu có phần cứng rắn của Chủ tịch Jerome Powell.
Bà Nicky Shiels, người đứng đầu bộ phận chiến lược kim loại của MKS PAMP cho biết: “Vàng đang giữ giá cho một điều gì đó, nhưng điều đó không xuất hiện càng lâu thì nguy cơ giảm giá càng lớn. Việc vàng giao dịch đi ngang càng lâu mà không có động lực mới thì càng có nhiều rủi ro bị bán tháo sâu hơn”.
Bà Shiels cho biết, sự lạc quan về vàng của bà đã giảm dù các yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này vẫn còn đó. Shiels cho rằng, kim loại quý này sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng giá 1.940-1.950 USD/ounce.
Theo nữ chuyên gia, vẫn còn 3 động lực chính hỗ trợ cho sự phục hồi của vàng, bao gồm hoạt động mua vàng của ngân hàng Trung ương, nhu cầu vật chất mạnh mẽ và hoạt động mua tiền xu và thỏi nhỏ lẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết