(Ảnh: NGỌC BÍCH)
Tại thị trường trong nước, sáng 22/11, theo diễn biến giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng mạnh từ 500.000 đồng-1 triệu đồng/lượng. Từ đầu tuần giá kim loại quý này đã tăng từ 3-5 triệu đồng/lượng, tùy thương hiệu.
Tại thời điểm 10 giờ ngày 22/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 84,7-86,7 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 1 triệu đồng và 500.000 đồng/lượng so chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua-bán rút ngắn xuống 2 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 84,6 triệu đồng/lượng, bán ra 86,1 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 600.000 đồng và 500.000 đồng/lượng so kết phiên hôm trước.
Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 84,7 triệu đồng/lượng mua vào và 86,7 triệu đồng/lượng bán ra. Thương hiệu này giá niêm yết vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 85,1-86,1 triệu đồng/lượng, bám sát giá vàng miếng, thậm chí, giá vàng nhẫn mua vào còn cao hơn vàng miếng 400.000 đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 85 triệu đồng/lượng và bán ra mức 86 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng so kết phiên hôm trước.
Tính đến 10 giờ ngày 22/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 31,6 USD so kết phiên hôm trước lên mức 2.681,2 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng không ngừng do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng Trung ương vẫn duy trì ổn định.
Phó Chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals Peter Grant cho biết, căng thẳng địa chính trị đã kéo nhà đầu tư đến với các tài sản trú ẩn an toàn trong đó có vàng. Đây là xúc tác để kim loại quý đang phục hồi mạnh mẽ trở lại các mức đỉnh đã được thiết lập trong năm nay.
Hiện, các nhà đầu tư đang chú ý vào thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm, dự kiến diễn ra vào ngày 18/12. Nếu FED không nới lỏng lãi suất thì giá vàng sẽ bị kìm hãm trong ngắn hạn, ngân hàng ANZ dự báo.
Đầu tuần này, các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Goldman Sachs cũng nhắc lại quan điểm, giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm sau.
Các chuyên gia tại Goldman Sachs cho biết, mặc dù hoạt động mua vàng của các ngân hàng Trung ương đã chậm lại trong quý 3 nhưng nhu cầu bổ sung kim loại vào kho tích trữ vẫn sẽ ổn định trong tương lai gần khi các quốc gia tiếp tục thực hiện đa dạng hóa tài sản dự trữ, giảm dần sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index ở mức cao 107,03 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên 4,406%; chứng khoán Mỹ tăng điểm; giá dầu đi ngang, giao dịch ở mức 73,25 USD/thùng đối với dầu Brent và 69,23 USD/thùng với dầu WTI.
Gửi phản hồi
In bài viết