(Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Giá vàng trong nước sáng nay đứng yên
Giá vàng trong nước ngày 3/8 hầu như không biến động so đóng cửa phiên hôm qua, giao dịch quanh 67,2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tính đến 11 giờ sáng nay, giá vàng DOJI tại Hà Nội niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, đứng yên so phiên giao dịch hôm trước.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu này, mua vào ở mức tương tự, song bán ra thấp hơn 100.000 đồng so khu vực Hà Nội.
Trong khi đó, giá vàng SJC sáng nay niêm yết mua vào-bán ra ở mức 66,6-67,22 triệu đồng/lượng, đứng yên so ngày hôm qua.
Vàng PNJ đang mua vào ở mức 55,9 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,9 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 100.000 đồng và 200.000 đồng so ngày trước đó.
Giá vàng thế giới sáng nay giảm
Giá vàng thế giới hôm nay 3/8 tiếp tục giảm với vàng giao ngay giảm 8,6 USD xuống 1.935,4 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.971,1 USD/ounce giảm 3,3 USD so phiên giao dịch trước đó.
Giá vàng sáng nay giảm nhẹ trước các dấu hiệu về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất.
Kim loại quý đã mất gần 30 USD trong 2 ngày qua, hợp đồng tương lai tháng 12 trượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce do dữ liệu việc làm khu vực tư nhân trong tháng 7 tăng đáng kể so dự kiến.
Cụ thể, báo cáo từ ADP hôm qua cho biết, khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 324.000 việc làm trong tháng trước, cao hơn rất nhiều so dự báo tăng 189.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures Daniel Pavilonis cho rằng, việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % (25 điểm cơ bản) tháng trước cùng việc sức mạnh của đồng USD tăng lên đã gây không ít áp lực lên vàng. Giá vàng đang bị kẹt dưới mốc 2.000 USD/ounce và trên ngưỡng 1.900 USD/ounce thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, tâm lý e ngại rủi ro gia tăng trên thị trường không hỗ trợ nhiều cho giá vàng khi các nhà đầu tư tiếp tục phản ứng với thông báo hạ xếp hạng nợ dài hạn của chính phủ Mỹ từ AAA (bậc cao nhất) xuống AA+ của Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Rating.
Trong thông báo của mình, Fitch cho rằng, thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ sẽ tăng lên 6,3% GDP vào năm 2023, so mức 3,7% vào năm 2022; dự kiến sẽ tăng lần lượt 6,6% và 6,9% GDP vào năm 2024 và 2025.
Những cơn gió ngược này đã kéo giá vàng xuống mức thấp nhất trong 3 tuần.
Nicky Shiels, chiến lược gia kim loại tại MKS PAMP cho biết, trong ngắn hạn, vàng không có cơ hội tăng giá nếu các động lực cốt lõi như “đồng bạc xanh” và lãi suất vẫn đang vươn tới các mức tăng cao hơn.
Hiện, thị trường đang chờ đợi dữ liệu Bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ 6 tuần này để có thêm tín hiệu rõ ràng hơn về kế hoạch chính sách tiền tệ thời gian tới của FED.
Sáng nay, Chỉ số USD-Index tăng 0.4% lên mức 102,4, mức đỉnh 3 tuần; lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 10/7/2023; chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong quá trình tích lũy sau khi chạy nước rút; giá dầu giảm do các nhà đầu tư chốt lời sau giai đoạn tăng giá mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết