(Ảnh: Reuters)
Giá vàng trong nước sáng nay tiếp tục tăng nhẹ
Giá vàng trong nước ngày 15/8 giao dịch sát mức 67,6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tính đến 9 giờ 30 phút sáng nay, giá vàng DOJI tại Hà Nội niêm yết ở mức 66,85 triệu đồng/lượng mua vào và 67,6 triệu đồng/lượng bán ra, đứng yên so kết thúc phiên giao dịch hôm trước.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu này, mua vào ở mức tương tự, song bán ra thấp hơn 50.000 đồng so khu vực Hà Nội.
Trong khi đó, giá vàng SJC sáng nay tăng 50.000 đồng/lượng so ngày hôm qua. Hiện, giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 66,95-67,57 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ đang mua vào ở mức 55,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,8 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so ngày trước đó.
Như vậy, trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá vàng miếng với mức tăng từ 200.000-250.000 đồng/lượng, đưa giá vàng trong nước lên mức cao nhất từ đầu năm.
Giá vàng thế giới sáng nay tiếp đà giảm
Giá vàng thế giới hôm nay 15/8 giảm với vàng giao ngay giảm 8,3 USD xuống 1.904,8 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.938,1 USD/ounce tăng 5,9 USD so phiên giao dịch trước đó.
Giá vàng sáng nay chạm đáy 5 tuần khi chịu áp lực bởi sự phục hồi của đồng USD. Chỉ số USD-Index, đo lường biến động “đồng bạc xanh” tăng vượt mức 103 điểm đã lấy đi sức hấp dẫn của vàng với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Các nhà đầu cơ giá lên cũng tỏ ra thận trọng khi các yếu tố kỹ thuật của vàng đang giảm.
Tuần trước, dữ liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 7 tăng 3,2%, thấp hơn một chút so dự báo 3,3% nhưng Chỉ số giá sản xuất (PPI) lại tăng 0,3% so tháng trước, cao hơn mức kỳ vọng 0,2% của các chuyên gia trong cuộc khảo sát của Dow Jones, các thành viên của Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang bày tỏ lo ngại rằng, cuộc chiến chống lạm phát chưa thể kết thúc và lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Trong báo cáo mới đây, nhóm kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs, dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất trong quý 2 năm 2024 bất kể suy thoái có xảy ra hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng này cảnh báo, trong thời gian chờ đợi cắt giảm, lãi suất có thể giữ ổn định nếu lạm phát không hạ nhiệt đủ nhanh.
Trong ngắn hạn, theo các chuyên gia, vàng sẽ khó tìm được động lực tăng giá.
Tuy nhiên, đà giảm của kim loại quý này sẽ được hạn chế nhờ nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng Trung ương vẫn còn rất lớn.
Báo cáo gần đây của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, các ngân hàng Trung ương vẫn chưa kết thúc cuộc đua bổ sung vàng vào kho dự trữ.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua thêm 23 tấn vàng trong tháng 7, một trong những tháng mua cao điểm của nước này kể từ đầu năm nay. Nếu tính từ tháng 1 cho tới hết tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã mua 126 tấn vàng, tăng lượng dự trữ vàng chính thức của nước này lên 2.136 tấn.
Ba Lan đã tăng dự trữ vàng thêm 22 tấn vào tháng trước, nâng lượng mua ròng từ đầu năm lên 71 tấn và nâng tổng dự trữ vàng lên 299 tấn.
Bên cạnh đó, ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã mua thêm 17 tấn vàng trong tháng 7, sau khi bổ sung 11 tấn trong tháng 6. Cộng hòa Séc bổ sung thêm 2 tấn vàng dự trữ, nâng tổng số mua ròng từ đầu năm đến nay lên gần 10 tấn, chiếm gần một nửa trong tổng số 21 tấn nắm giữ của nước này.
Sáng nay, chỉ số USD-Index lên mức 103,08 điểm; lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 4,202%, mức cao nhất từ đầu năm; chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và vẫn trong quá trình điều chỉnh; giá dầu ổn định, giao dịch quanh mức 82 USD/thùng.
Gửi phản hồi
In bài viết