Kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu sẽ rơi vào ngày mai (11-7). Ảnh minh hoạ theo Vietnam+
Tuần qua, những lo ngại xoay quanh sự cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới cùng với sự sụt giảm trong dự trữ xăng, dầu của Mỹ đã khiến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Cả dầu WTI và Brent đều tăng giá hơn 5%.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tuần, giá xăng dầu đã giảm nhẹ, trượt khỏi mức giá đạt kỷ lục của phiên kết thúc tuần qua. Cụ thể, giá dầu thô WTI ghi nhận mức giảm 0,44% với 73,533 USD/thùng, giá dầu Brent ở mức 78,315 USD/thùng, giảm 0,20% so với phiên giao dịch trước đó.
Tại thị trường trong nước, giá bán xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm vào chiều 3-7 và giữ nguyên ở thời điểm hiện tại. Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương đã không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, mức trích lập các mặt hàng cũng đều được đưa về 0 đồng.
Theo dự báo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trước xu hướng của giá xăng dầu thế giới, dự báo trong kỳ điều hành ngày 11-7, giá xăng, dầu có thể tăng khoảng 200 - 300 đồng/lít. Giá dầu cũng tăng nhẹ ở mức tương tự.
Báo cáo sơ kết 6 tháng, Bộ Công Thương cho biết, mặt bằng giá xăng dầu trong nước hiện đang thấp hơn 29,7 - 39,5% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022. Cụ thể, giá xăng RON 95 hiện ở mức 21.420 đồng một lít, giảm 35%; dầu diesel ít hơn 39%, dầu hỏa ít hơn 37% và mazut khoảng 29%. Tuy nhiên, Bộ dự báo giá nhiên liệu trong nước có thể tăng trở lại trong quý III khi giá thế giới đi lên.
Để điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết