Thủy sản là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại thị trường CPTPP.
Tạo sức bật cho hàng Việt
Thủy sản Việt Nam là một trong những mặt hàng được khối thị trường CPTPP đặc biệt ưa chuộng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nửa đầu tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong khối CPTPP đa phần ghi nhận tăng trưởng dương so nửa đầu tháng 9/2022.
Cụ thể, khối thị trường này đã nhập khẩu gần 9 triệu USD cá tra Việt Nam trong nửa đầu tháng 9 năm nay, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường của khối ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so cùng kỳ năm 2022 là: Nhật Bản, Mexico, Canada đạt lần lượt 1,3 triệu USD (tăng 75%); 2,4 triệu USD (tăng 59%); 1,3 triệu USD (tăng 16%).
Cùng với thủy sản, nhiều mặt hàng khác cũng có sự tăng trưởng khi xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP thời gian qua. CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên. Những năm vừa qua, việc thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.
Đơn cử, với những thị trường mà nước ta chưa có chung FTA là: Canada, Mexico và Peru, khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường này đã có luôn tăng trưởng 2 chữ số, kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới. Ngoài ra thặng dư thương mại mà chúng ta có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Đây là điểm cần hết sức ghi nhận.
Với thị trường Peru, nhiều ý kiến cho rằng đây là thị trường khiêm tốn nhưng thực tế, dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao, có những năm tăng trưởng đến 3 chữ số.
TS Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá, khi CPTPP được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng rất tốt hiệp định này, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu vào các nước nằm trong Hiệp định này có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Có những thị trường có sự tăng trưởng lên đến hàng trăm %, đặc biệt là những thị trường chưa khai thác trước đây và những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như: nông lâm thủy sản, điện tử…
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng về phương thức sản xuất kinh doanh để đáp ứng được các yêu cầu về thương mại bền vững, phát triển bền vững trong yêu cầu của CPTPP. Đây là điều kiện rất quan trọng vì phát triển bền vững dự kiến sẽ là yêu cầu của rất nhiều thị trường khác trong thời gian tới”, TS Lê Duy Bình ghi nhận.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường tiềm năng của CPTPP như: Canada, Mexico và Peru còn rất lớn vì có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3-5% tại các thị trường đó. Một vấn đề nữa là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Dù hàng Việt Nam xuất khẩu sang khối thị trường này nhiều, song để tìm được một thương hiệu riêng biệt trên thị trường thì rất khó khăn.
Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua về, chế biến lại, làm bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Giải pháp nào xây dựng thương hiệu Việt ở thị trường CPTPP?
Để xây dựng được thương hiệu tại Việt Nam đã khó, xây dựng được thương hiệu tại nước ngoài còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, xây dựng thành công thương hiệu sẽ giúp giá trị hàng Việt tại thị trường tăng lên rất mạnh. Để làm được điều này, cần những giải pháp tổng thể từ cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thể hiện qua những chỉ tiêu về xuất khẩu được đề ra hằng năm.
Theo TS Lê Duy Bình, việc xây dựng thương hiệu phải là một trong những ưu tiên song song với việc gia tăng số lượng giá trị hàng hóa dự kiến xuất khẩu vào 1 thị trường. Những chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu phải đi cùng với những chỉ tiêu khác như hàm lượng giá trị gia tăng giữ lại nền kinh tế là bao nhiêu, tạo ra cho nền kinh tế của chúng ta là bao nhiêu khi ta xuất khẩu sang 1 thị trường nhất định. Nó không chỉ đo được bằng việc tăng xuất khẩu vào 1 thị trường trong khối CPTPP mà nó cần đo lường bằng những giá trị khác như giá trị gia tăng hàng hóa được sản xuất Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường CPTPP là bao nhiêu.
Về phía các doanh nghiệp, bài toán thương hiệu hay từ thương hiệu thì chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng về mặt nền tảng thì doanh nghiệp phải có hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Để xây dựng thành công thương hiệu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và các thành tố khác trong chuỗi liên kết.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhấn mạnh, để xây dựng được thương hiệu phải bắt buộc nhà xuất khẩu, nhà chế biến gắn trực tiếp với vùng nguyên liệu để làm việc trực tiếp với nông dân, từ đó, mới quản lý được sản xuất và như vậy mới bảo đảm được yêu cầu về chất lượng. Chất lượng mới gắn liền với yếu tố bền vững, truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện cần.
Bước tiếp theo đó là các doanh nghiệp này mạnh dạn, xem xét đầu tư thương hiệu. Bởi với các khách hàng tiềm năng, các khách hàng đầu cuối thì yếu tố mà họ quan tâm và muốn làm đối tác lâu dài với các nhà cung cấp hồ tiêu và gia vị Việt Nam thì họ sẽ “nhắm” đến những nhà cung cấp, chế biến, xuất khẩu có liên kết sản xuất, có sự hỗ trợ nông dân trong chuỗi.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng thành công thương hiệu sẽ mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Thí dụ cùng 1 loại gạo, song Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng bán gạo 1.500 Euro/tấn, gạo Trung An cũng bán khoảng hơn 1.000 USD/tấn, gấp đôi hoặc thậm chí gấp 2,5 lần so giá trung bình. Còn cũng mặt hàng đó khi vào siêu thị là 4.000 Euro/tấn, cao gấp 9 lần so giá bán thông thường của doanh nghiệp. Đây chính là giá trị của thương hiệu.
Từ đấy để thấy rằng rõ nếu doanh nghiệp chỉ đi theo con đường gia công thuần túy, trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn giúp ổn định về đơn hàng, nhưng về dài hạn không phải giải pháp tối ưu. Doanh nghiệp phải tính đến dài hạn đó là phải xây dựng một thương hiệu riêng. Để xây dựng thương hiệu riêng thực sự không dễ. Song doanh nghiệp phải xác định mục tiêu, từ đó triển khai các giải pháp phù hợp. Cùng với bàn đạp từ việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công thương, việc xây dựng thành công thương hiệu tại thị trường CPTPP nói riêng và các thị trường đã có FTA nói chung sẽ có thể thực hiện được.
Gửi phản hồi
In bài viết