Giải pháp đấu giá công trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam

Phần mềm đấu giá công trực tuyến do đội ngũ kỹ sư trẻ thuộc Viettel Solutions phát triển là giải pháp đoạt giải Sao Khuê ở lĩnh vực Chính phủ số. Trước đó, đấu giá công là một lĩnh vực đặc thù chưa từng tổ chức các phiên đấu giá trực tuyến.

Tiên phong xây dựng phần mềm đấu giá công online

Hiện nay, nhu cầu đấu giá tài sản công của các tỉnh, thành phố trên cả nước đều rất lớn. Theo số liệu trên website của Bộ Tư pháp thì năm 2020 có tới hơn 40.000 thông báo đấu giá công được phát đi, còn riêng năm 2021 là hơn 60.000 thông báo.

Tuy nhiên, công tác đấu giá công trực tiếp đang có nhiều bất cập trong cả khâu tổ chức và đấu giá tài sản. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, người dân dần nảy sinh nhu cầu được đấu giá trực tuyến. Không còn bị giới hạn về không gian, thời gian, chỉ cần có máy tính hoặc thiết bị thông minh kết nối mạng internet, người dân có thể đăng ký dự không chỉ một mà nhiều phiên đấu giá cùng lúc.

Điều này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra thị trường mua bán công khai, minh bạch nhưng vẫn bảo đảm bảo mật thông tin của khách hàng. Xuất phát từ bối cảnh đó, từ khoảng giữa năm 2021, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), thành viên của Tập đoàn Viettel đã đẩy mạnh việc phát triển và hoàn thiện phần mềm Đấu giá công trực tuyến.

Để triển khai dự án, đội ngũ kỹ sư trẻ gồm 10 người, tuổi đời từ 25-30 ở Viettel Solutions đã gấp rút thực hiện. “Chủ yếu chúng tôi dành nhiều thời gian để phác thảo ý tưởng. Việc triển khai và thử nghiệm phần mềm chỉ mất khoảng 4 tháng”, anh Lê Anh Hiếu, kỹ sư trưởng của dự án chia sẻ.

Theo dự kiến, khi đưa vào sử dụng, phần mềm này đem lại nhiều lợi ích cho địa phương, người sử dụng (khách tham gia đấu giá trực tuyến) và đơn vị tổ chức đấu giá (Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản của tỉnh/thành phố).

Kỹ sư trưởng của dự án phân tích, đây là một dịch vụ được cung cấp trên nền tảng web-based dùng cho hệ thống máy PC và một ứng dụng (app) dành riêng cho điện thoại di động. Hệ thống này mô phỏng lại phiên đấu giá thực tế với đầy đủ các bước và quy trình quen thuộc.

Thông qua hình thức này, lãnh đạo địa phương dễ dàng quản lý, theo dõi diễn biến, chất lượng các cuộc đấu giá, tỷ lệ thành công/ không thành công trong từng phiên… Các lãnh đạo có thể quan sát, giám sát mọi hoạt động online, trực quan, đồng thời nâng cao điểm chuyển đổi số của tỉnh.

Đối với người tham gia, Hệ thống được thiết kế đơn giản để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng được, giúp tiết kiệm thời gian đăng ký, tham gia đấu giá và thanh toán. Người dân Việt Nam có thể tham gia đấu giá qua máy tính hoặc điện thoại thông minh mà không cần có mặt trực tiếp tại phiên đấu giá. Nếu không trúng đấu giá, phần tiền đặt trước của người tham gia sẽ được hoàn lại nhanh chóng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Phần mềm hỗ trợ cán bộ phụ trách khai báo tài sản đấu giá tại Trung tâm tổ chức đấu giá tài sản; tích hợp nhiều tiện ích để giảm tải công việc của các chuyên viên, giúp công tác đấu giá hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Giải pháp đấu giá công trực tuyến đã đoạt giải Sao Khuê ở lĩnh vực Chính phủ số.

Với các phiên đấu giá có số lượng người đăng ký tham gia lớn, yêu cầu phê duyệt thanh toán cũng tăng theo và với thủ tục phê duyệt thủ công, người tham gia sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí có rủi ro khi không kịp tham gia trước thời gian đấu giá. Trong khi đó, với Phần mềm đấu giá công trực tuyến, việc thanh toán phí đăng ký được phê duyệt tự động, thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây.

Giải pháp để giảm tải công việc phê duyệt yêu cầu thanh toán của kế toán là hệ thống đã tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Viettel Money, trong đó người dùng có thể thanh toán qua nhiều hình thức như thẻ ngân hàng/tín dụng/QR code/ví điện tử...

Bên cạnh đó, với hình thức thanh toán chuyển khoản ngân hàng, hệ thống sẽ bắt theo cú pháp giao dịch và duyệt tự động. Giải pháp này giúp tối ưu quá trình phê duyệt yêu cầu thanh toán, không còn tình trạng ùn tắc cho dù số lượng người đăng ký đấu giá lớn.

Thêm vào đó, hệ thống còn có điểm khác biệt là xử lý giao dịch theo thời gian thực (realtime), cho phép người tham gia phiên đấu giá có thể cập nhật diễn biến trong phiên ngay lập tức. Ngoài ra, phần mềm được tối ưu hiệu năng tốt, có thể đáp ứng được lượng người dùng lớn với chi phí đầu tư hạ tầng thấp.

Được biết, trước khi Viettel Solutions phát triển sản phẩm này thì tại Việt Nam cũng đã có khoảng 4-5 nền tảng đấu giá trực tuyến tương tự. Tuy nhiên, tất cả đều là sản phẩm dành cho đấu giá tài sản tư nhân. Viettel Solutions là đơn vị đầu tiên phát triển phần mềm Đấu giá công, hướng tới phục vụ mục đích chuyển đổi số của Chính phủ.

Nhân tố phi công nghệ tác động quan trọng đến thành công

Mặc dù thông qua hình thức trực tuyến nhưng hệ thống phần mềm của Viettel Solutions có đầy đủ tính năng để hỗ trợ chuyên viên đấu giá xác minh mọi thông tin về người tham gia.

Cụ thể, người dùng muốn tạo lập một tài khoản trên hệ thống phải cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân, số căn cước công dân; nếu là tổ chức phải có giấy phép đăng ký kinh doanh… Sau đó, cán bộ có thẩm quyền sẽ xác minh tất cả thông tin này.

Vòng xác minh sẽ tiếp tục lặp lại trước mỗi phiên đấu giá. Tức là để tham gia một phiên đấu giá bất kỳ, cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện rà soát người đăng ký đấu giá theo Khoản 4 Điều 38 Luật đấu giá tài sản 2016, để kiểm tra tính hợp lệ.

Theo anh Hiếu, điều thuận lợi lớn của những kỹ sư Viettel khi triển khai giải pháp này là dự án thử nghiệm với tỉnh Thái Nguyên được bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh Thái Nguyên cũng như lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, đặt quyết tâm thực hiện dự án cao.

“Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên về chuyển đổi số, lãnh đạo tỉnh muốn số hóa công tác đấu giá công trực tuyến, vì hằng năm địa phương có tới hơn 300 phiên đấu giá mà mỗi phiên có thể sẽ gồm nhiều tài sản khác nhau”.

Trên thực tế, quá trình triển khai gặp nhiều thách thức bởi chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về đấu giá công trực tuyến. Vì vậy, các kỹ sư Viettel đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh, đặc biệt là Sở Tư pháp Thái Nguyên để bảo đảm phần mềm tuân thủ đúng khung hành lang pháp lý và điều chỉnh liên tục để phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh này.

Sau khi sản phẩm được hoàn thành, và đoạt Giải thưởng Sao Khuê 2022 ở lĩnh vực Chính phủ số, kỹ sư trưởng của dự án Lê Anh Hiếu chia sẻ: “Để những giải pháp như đấu giá công trực tuyến đi vào thực tiễn, lãnh đạo thuộc cấp cao nhất ở các địa phương phải là những người có tư duy mới, quyết tâm thực hiện thay đổi lớn về chuyển đổi số thì những khó khăn đều có thể giải quyết được. Kỹ thuật hay công nghệ có lẽ không phải là vấn đề lớn trong triển khai giải pháp số trong lĩnh vực công mà chính là sự quyết tâm của người đứng đầu tổ chức”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản phẩm đấu giá công trực tuyến đã cơ bản hoàn thiện và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tỉnh Thái Nguyên dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay. 

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục