Trưởng nhóm nghiên cứu - ông Andres Marcoleta cho biết, những "năng lực siêu nhiên" này - vốn tiến hóa để thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt - tồn tại trong các đoạn nhiễm sắc thể ADN di động và có thể dễ dàng chuyển giao cho các vi khuẩn khác.
Ông Marcoleta cho biết: "Chúng ta vẫn biết rằng, đất tại Bán đảo Nam Cực - một trong những vùng cực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng băng tan - rất đa dạng về vi khuẩn. Một số loại vi khuẩn đã tạo thành một nguồn tiềm năng về các gene tổ tiên đã tạo ra sự kháng lại thuốc kháng sinh".
Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Chile đã thu thập một số mẫu đất từ Bán đảo Nam Cực trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019. Theo ông Marcoleta, "có lẽ cần phải đặt câu hỏi rằng liệu biến đổi khí hậu có thể gây tác động đến sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm hay không".
Nhà khoa học này cho rằng: "Trong kịch bản khả thi, những gene này có thể chính là nguồn lưu trữ của các mầm mống, qua đó thúc đẩy sự xuất hiện và gia tăng của bệnh truyền nhiễm".
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vi khuẩn Pseudomonas - một trong những nhóm vi khuẩn chiếm ưu thế ở Bán đảo Nam Cực, tuy không gây bệnh nhưng lại có thể là nguồn "gene kháng thuốc" và chúng không thể bị tiêu diệt thông qua các chất khử trùng thông thường như đồng, clo hoặc ammoni bậc 4.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện một số loại vi khuẩn khác như vi khuẩn Polaromonas, có "tiềm năng bất hoạt các loại kháng sinh gốc beta-lactam, vốn rất cần thiết để điều trị các bệnh nhiễm trùng khác nhau".
Gửi phản hồi
In bài viết