Giải quyết vướng mắc trong thực hiện hóa đơn điện tử

- Từ 1-7-2022, hóa đơn điện tử được bao phủ trên toàn quốc theo Luật Quản lý thuế. Thời gian qua cả cơ quan thuế và người nộp thuế cũng đã nhìn thấy rõ những lợi ích trong việc sử dụng hóa đơn điện tử như tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính công khai, minh bạch... Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Ông Đinh Thanh Cường, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp Thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Sau một thời gian triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC người nộp thuế gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, người nộp thuế còn lúng túng khi phát hiện ra sai sót trên những hóa đơn đã xuất nhưng chưa biết cách xử lý sao cho đúng quy định, không biết nên viết hóa đơn điều chỉnh để số âm hay số dương; các đơn vị phát sinh nhiều đơn hàng trong một ngày gặp khó khăn trong việc xuất hóa đơn trong ngày; một số trường hợp gặp đường truyền bị lỗi; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa nên việc sử dụng hóa đơn điện tử còn hạn chế... Vì những lý do trên nên quá trình áp dụng hóa đơn điện tử theo thông tư mới đã có nhiều trường hợp ghi sai hóa đơn điện tử.

Cán bộ Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử Cục Thuế tỉnh hỗ trợ người nộp thuế vướng mắc khi xuất hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Cầu, kế toán Công ty TNHH Lan Sơn (TP Tuyên Quang) cho biết, công ty chuyên kinh doanh các loại hàng hóa về vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh và vật tư ngành nước. Có rất nhiều các mặt hàng nhỏ và xuất nhiều hàng hóa trong một ngày. Vì thế, khi thực hiện xuất hóa đơn trong ngày, công ty cũng gặp một số khó khăn như: mất nhiều thời gian cho việc ngồi xuất hóa đơn, đôi khi đường truyền mạng bị chậm, việc ghi sai hóa đơn khó tránh khỏi.

Trong quá trình xuất hóa đơn điện tử, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI có xuất hóa đơn gốc số 3 và lập thêm hóa đơn số 17 điều chỉnh tăng đơn giá hóa đơn 3, sau đó lại phát hiện việc điều chỉnh này không đúng nên xuất hóa đơn số 39 điều chỉnh giảm, nhưng hóa đơn này kế toán đang loay hoay không biết nên viết số tiền bằng chữ là “âm” hay giảm.

Còn chị Nguyễn Thị Huyên, một hộ kinh doanh văn phòng phẩm tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) thì lại ghi sai hóa đơn do ghi sai đơn giá, sau một tuần chị mới phát hiện ra, nhưng vì mới sử dụng hóa đơn điện tử nên chị chưa biết ghi hóa đơn điều chỉnh như nào cho đúng... Còn tại một số hộ, cá nhân kinh doanh thì nhiều hộ vẫn còn chưa thông thạo máy tính, nên việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế, ngành Thuế tỉnh đã kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, người nộp thuế xử lý. Ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn, tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người nộp thuế kịp thời tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng khi triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cũng là vấn đề mà ngành Thuế đã xác định và triển khai ngay từ khi bắt đầu và thành lập các tổ xử lý vấn đề tại từng Chi cục Thuế nhằm nhanh chóng nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế trong thực hiện, đảm bảo việc triển khai không gây ảnh hưởng cũng như khó khăn cho người nộp thuế...

Ông Lê Danh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI cho biết, ngay khi bộ phận kế toán báo cáo những vướng mắc trong quá trình xuất hóa đơn điện tử, ông đã giao cho nhân viên liên hệ với Cục Thuế tỉnh để được hỗ trợ. Theo đó, Cục Thuế tỉnh đã kịp thời cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn công ty xử lý các lần sai sót tiếp theo theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu. Việc hỗ trợ kịp thời của ngành Thuế đã giúp cho nghiệp vụ mua bán hàng hóa của công ty được giải quyết thuận lợi, tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng.

Tương tự với các khó khăn, vướng mắc phát sinh của Công ty TNHH Lan Sơn, hộ kinh doanh tại huyện Lâm Bình nói riêng và nhiều người nộp thuế đang vướng mắc khi xuất hóa đơn điện tử nói chung, ngoài sự hỗ trợ của cán bộ thuế thuộc Trung tâm điều hành hóa đơn điện tử tại Cục Thuế tỉnh, thì Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Thuế trực thuộc tăng cường hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn cho người nộp thuế thuộc địa bàn mình phụ trách. Trong thời gian tới, cơ quan Thuế tiếp tục tổ chức tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp mới; tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Việc triển khai hóa đơn điện tử mặc dù còn một số vướng mắc, song hóa đơn điện tử đã và đang góp phần thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính, cũng như trong các cơ quan Nhà nước khác. Việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục