Nhà sách Tân Việt nằm trong TTTM Vincom Plaza đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 1 TTTM, 5 siêu thị, hơn 10.000 cửa hàng tạp hóa, 99 chợ. Việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh thông qua thu hút các doanh nghiệp đầu tư đã hình thành hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ như: Siêu thị Vinmart, điện máy MediaMart, Thế giới di động, Điện máy Xanh và nhiều kênh phân phối, bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích hay một số TTTM, siêu thị còn kết hợp dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm như: TTTM Vincom, Siêu thị Vũ Công, Siêu thị Sách và thiết bị trường học Tuyên Quang…
Đặc biệt, siêu thị Vinmart nằm trong TTTM Vincom Plaza và hệ thống 24 cửa hàng WinMart+ trên toàn tỉnh đã áp dụng hình thức mua sắm online trên App VinID. Với cách thức mua sắm này, khách hàng chỉ cần truy cập app, lựa chọn các sản phẩm và nhập địa chỉ giao hàng, bên siêu thị sẽ giao hàng tận nơi.
Không chỉ tại thành phố mà các huyện như: Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn, các siêu thị với nhiều dịch vụ tiện ích cũng được người dân nơi đây ưu tiên lựa chọn. Từ khi khai trương đến nay, Siêu thị Khai Hoa, tổ Vĩnh Tài, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy cho người dân. Ông Nguyễn Văn Khai, Giám đốc Công ty TNHH Khai Hoa nói, cách đây 8 năm, siêu thị chỉ là cửa hàng nhỏ buôn bán xe máy tại nhà. Năm 2012, thấy nhu cầu người dân về mua sắm tăng cao, công ty đổi hướng đầu tư sang kinh doanh siêu thị.
Quá trình mở siêu thị được nhà nước tạo điều kiện về các thủ tục giấy tờ, cho thuê đất dài hạn 50 năm. Sau 2 năm xây dựng, siêu thị đã đi vào hoạt động với quy mô 3 tầng, vốn đầu tư xây dựng gần 18 tỷ đồng. Siêu thị được phân khu kinh doanh các mặt hàng, riêng biệt từ khu đồ điện tử, điện lạnh, tạp hóa, xe máy, xe điện… với hơn 6.000 sản phẩm. Trong đó, siêu thị chú trọng bán hàng Việt Nam, các sản phẩm OCOP của huyện và của tỉnh nhằm nâng cao ý thức người dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tất cả sản phẩm được bày bán có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá bán được niêm yết trên từng sản phẩm nên khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Cửa hàng tiện lợi Long Ly, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) được đầu tư xây dựng năm 2019
đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Khi mức sống của người dân ngày càng tăng cao thì tâm lý và thói quen mua sắm cũng có nhiều thay đổi. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, người dân không chỉ dừng lại ở việc mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi... Chị Vũ Thị Hạnh, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết, trước đây, chị có thói quen mua bán tại chợ xép gần nơi sinh sống, tuy nhiên, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, không được kiểm định. Từ khi trên địa bàn tỉnh phát triển hệ thống các cửa hàng an toàn, các siêu thị lớn, chị đã thay đổi thói quen mua sắm. Chị tìm mua những loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, có tem nhãn và được kiểm định chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các cửa hàng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tích điểm, phù hợp với xu hướng mua sắm hiện nay.
Cùng với sự phát triển của các TTTM, siêu thị, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại. Đa số chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố và được quy hoạch xây dựng gần tuyến đường bộ kết nối với xã, khu dân cư đông, thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa. Hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa đều có chợ hoặc các điểm mua sắm tập trung. Thương mại nông thôn phát triển đã đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của tỉnh.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sự phát triển của hạ tầng thương mại đã thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh năm 2021 đạt 27,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,63% so với năm 2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, TTTM, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại thành phố và các thị trấn. Nhiều chợ sau khi đi vào hoạt động chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán. Với mục tiêu phát triển thương mại theo hướng hiện đại, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp, kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử; tiếp tục tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ như: ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tại nông thôn. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 95% các loại hình hạ tầng thương mại hoạt động hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết