Nghề cũ, cách làm mới
Với đức tính cần cù, chịu khó, nông dân thôn Ninh Thái đã phát huy lợi thế đất đai rộng, bằng phẳng, khá màu mỡ để trồng các loại rau, củ, quả. Trồng rau trở thành nghề chính làm “thay da đổi thịt” vùng quê này. Ninh Thái hiện là vựa rau của xã, của huyện với hơn 20 ha. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, các hộ vẫn “mạnh ai nấy làm” chưa có sự liên kết, đoàn kết xây dựng thương hiệu rau quê mình...
Nửa quãng đời trồng rau, ông Lê Hữu Phú đã từng nếm trải đủ những khó khăn vất vả, buồn vui. Nhiều lần vợ chồng ông mang rau đi giao cho thương lái, bán ở chợ, chứng kiến cảnh người mua e dè, họ băn khoăn rau này có sạch, có an toàn không. Nếu rau sạch, an toàn thì ai bảo đảm cho. Rau bán rẻ như cho mà vẫn không bán hết, phải mang về làm thức ăn cho gà, lợn. Ông thấy xót xa, cơ cực quá. Nhưng cũng phải, đặt vào vị trí của người tiêu dùng thì ai cũng có quyền đòi hỏi như thế. Điều đó khiến ông Phú trăn trở, đau đáu hàng đêm làm sao để rau quê mình có thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
May mắn đến năm 2021, thôn Ninh Thái tiếp nhận và triển khai dự án trồng rau an toàn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ. Là người nhạy bén, tâm huyết với nghề, ông Phú vui hơn ai hết. Ông hiểu đây là thời cơ quý giá tạo bứt phá cho nghề trồng rau ở thôn. Với vai trò thủ lĩnh, ông Phú đã tích cực cùng cán bộ thôn, xã đến từng nhà vận động, giải thích rõ lợi ích, quyền lợi, nghĩa vụ cho 11 hộ khác cùng vào tổ hợp tác.
Ông Lê Hữu Phú.
Ông Phú nhớ lại, các hộ đều có kinh nghiệm trồng rau hàng chục năm. Khi vận động họ vào tổ hợp tác đã khó nhưng để thay đổi tư duy theo cách làm mới cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng khi hiểu rõ, các thành viên đều nghiêm túc thực hiện rất tốt, từ sổ theo dõi, ghi chép ngày làm đất, gieo trồng, ngày sử dụng thuốc, cách ly cho từng loại cây; lựa chọn sử dụng phân bón, cách chăm sóc, thu hoạch... Muốn mọi người cùng làm, mình phải là người tiên phong làm trước, tuân thủ nghiêm chỉnh.
Bà Đặng Thị Thanh, thôn Ninh Thái bao năm vẫn trồng rau theo truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Mọi thứ chỉ thay đổi khi bà tham gia tổ hợp tác. Bà Thanh chia sẻ, bà và các thành viên đã được tập huấn, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm về quy trình trồng rau an toàn từ quản lý nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Ban đầu hơi phân vân vì mất thời gian, chi phí cao hơn cách làm cũ. Nhưng khi hiểu rõ, mọi người đều tự nguyện tuân thủ, tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục... Bà thấy rất vui vì cách làm mới này vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng, an toàn môi trường đồng ruộng, nhất là rau dễ bán hơn vì đã có thương hiệu.
Là thành viên tích cực của tổ hợp tác nay là HTX, ông Lê Văn Tình, Trưởng thôn Ninh Thái cho biết: cách trồng rau an toàn theo hướng tập trung, thành viên phải tuân thủ những quy định khắt khe, nhưng an toàn cho người trồng và người tiêu dùng. Tuy mất nhiều công, chi phí đầu tư cao hơn, nhưng bù lại sản phẩm đưa ra thị trường được mọi người tin tưởng, đón nhận, ai nấy đều vui. Các hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm làm ăn và giám sát lẫn nhau, chung mục tiêu xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế từ trồng rau. Việc thay đổi cách nghĩ, cách làm mới này có phần đóng góp rất lớn của Giám đốc Lê Hữu Phú - ông Tình khẳng định.
Tìm cách đưa rau vào siêu thị
Giữa tháng 2 vừa qua, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX rau, củ, quả an toàn Ninh Thái được thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác rau an toàn Ninh Thái. HTX gồm 15 thành viên, ông Phú được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc.
Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hay cười, ông Phú dẫn chúng tôi tham quan khu sản xuất đủ các loại rau, mướp đắng, dưa chuột... Ông Phú hóm hỉnh bảo, mình là giám đốc “chân đất” nên ngày nào cũng ra ruộng theo dõi sâu bệnh, chăm sóc, thu hoạch rau và tranh thủ trao đổi cùng thành viên cách làm, cập nhật thông tin giá cả... để còn định hướng sản xuất.
Ông Lê Hữu Phú cùng cán bộ khuyến nông xã, thành viên HTX kiểm tra, trao đổi kỹ thuật trồng rau an toàn.
Ông Phú giới thiệu, cả khu trồng rau tập trung của HTX có quy mô hơn 5 ha. Vượt qua những kiểm nghiệm nghiêm ngặt, cuối năm 2022 vừa qua, sản phẩm rau của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm rau của thôn. Từ khi được công nhận VietGAP, ngoài bán ở chợ truyền thống, giao cho đầu mối, rau của thôn đã được tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh.
HTX có vốn điều lệ hơn 1 tỷ đồng do các thành viên đóng góp. Để giải bài toán đầu ra ổn định, HTX sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, lựa chọn đối tác uy tín để liên kết sản xuất, tiêu thụ rau cho thành viên. Đặc biệt là, HTX hướng dẫn, giám sát các thành viên tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP. HTX đã có kế hoạch lựa chọn một số sản phẩm chủ lực như: su hào, bắp cải, mướp đắng… để xây dựng sản phẩm OCOP. Thời gian tới, HTX hoàn thiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm với mã vạch, bao bì đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là tiền đề quan trọng đưa rau an toàn Ninh Thái tiếp cận với các siêu thị lớn, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Tống Huy Thật, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa nhận xét, ông Lê Hữu Phú, Giám đốc HTX rau, củ quả an toàn Ninh Thái là người năng động, tâm huyết với nghề trồng rau. Ông đã nhiệt tình vận động, hướng dẫn các thành viên cùng thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ tạo ra sản phẩm rau an toàn, góp phần phát huy tốt lợi thế của địa phương. Chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan của huyện, tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ, định hướng để HTX hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng rau.
Gửi phản hồi
In bài viết