Vượt khó bằng sức trẻ
Ngôi nhà văn hóa thôn 65 trước đây chỉ dựng được bộ khung làm nơi cho bà con họp hành. Chưa có đường bê tông dẫn vào khuôn viên, chưa có cổng chào, chưa lát nền... vì bà con còn khó khăn nhiều.
Đầu năm 2023, Chi bộ thôn 65 lấy nội dung lát nền nhà văn hóa để tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Đảng viên trong chi bộ đều thống nhất, phải hoàn thiện dần hạ tầng cho nhà văn hóa, để cùng với xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024.
Chi bộ ra kết luận hoàn thành lát nền nhà văn hóa trong quý I-2023. Cùng với lát nền nhà văn hóa, bà con trong thôn quyết định xây dựng luôn đường bê tông vào khuôn viên, rồi làm cổng chào... Trưởng thôn Trình Văn Cường liền đi tìm những người có kinh nghiệm về xây dựng, hạch toán toàn bộ kinh phí, sau đó bắt đầu hành trình... đi xin hỗ trợ. Cường bảo, ở thôn có bao nhiêu doanh nghiệp, Cường đều đến đặt vấn đề cả, mục tiêu là làm sao để bà con trong thôn phải đóng góp ít nhất. Vì Cường bảo, xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài, tới đây, sẽ còn nhiều hạng mục phải hoàn thành, mình cứ “khoan thư sức dân” trước...
Tuyến đường vào khu sản xuất của thôn 65 đang dần hoàn thành.
Cường lập một nhóm Zalo có đầy đủ các thành viên trong thôn, công khai tất cả chi phí, hạng mục. Bà con được biết, được bàn, được cùng làm, cùng kiểm tra, giám sát, thụ hưởng... việc lớn đầu tiên mà Bí thư Chi bộ Phạm Văn Luân, Trưởng thôn Trình Văn Cường hoàn thành thuận lợi như thế.
Bí thư Chi bộ Phạm Văn Luân bảo, lợi thế của mình là tuổi trẻ, nhưng chính vì trẻ tuổi mà kinh nghiệm, kiến thức còn chưa nhiều. Có việc gì khó, Chi bộ, thôn lại mời những người nguyên là cán bộ thôn, cả cán bộ xã cùng dự họp để xin ý kiến.
Vừa rồi, ở thôn 65 xây dựng tuyến đường bê tông và cầu trên đường vào khu Lạ Cái - khu tập trung đông đồng bào Dao và cũng là khu tập trung đất sản xuất của bà con cả thôn.
Để hoàn thành tuyến đường, đất ruộng, đất sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Người nhiều người ít, người nói một lần là được, người phải nói nhiều lần mới thông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn rồi các chi hội phải đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần. Cường, Luân phải tổ chức họp thôn 3-4 lần, rồi mời cả cán bộ xã vào cùng giải thích, vận động để bà con thông.
Như nhà Triệu Văn Sản mất gần 40 m2 đất ruộng. Sản bảo, cái ruộng này nuôi mấy đời nhà mình rồi, giờ mà mất rồi đời sau lấy cái gì mà ăn.
Cán bộ thôn bảo, mình mất ít ruộng nhưng đời con mình, đời cháu mình có đường thông rộng rãi đi lại, cũng coi như là đầu tư cho tương lai mà... Nói mãi Sản mới đồng ý hiến 40m2.
Ông Triệu Văn Liều, người hiến hơn 200m2 cả đất ruộng, đất trồng cam bảo, mình thấy cán bộ thôn trẻ, mà tận tình vì bà con như thế, mình có hiến ít đất cũng không tiếc!
Nghe thôn 65 triển khai công việc thuận lợi như vậy, nhiều người nghĩ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hẳn phải là người có tuổi, có kinh nghiệm lắm mới giải quyết mọi chuyện nhanh gọn vậy. Nhưng cả hai vừa bước sang tuổi 30. Cả Bí thư Chi bộ Phạm Văn Luân, Trưởng thôn Trình Văn Cường đều sinh năm 1993. Cường được bầu làm Trưởng thôn khi mới 28 tuổi, Luân cũng vừa được bầu làm Bí thư Chi bộ tháng 7-2022. Đây cũng là 2 cán bộ thôn trẻ nhất ở xã Yên Lâm.
Người đảng viên lão thành Thái Minh Thỏa cười tự hào, chúng trẻ, nhưng được việc lắm.
Đảng tin, dân yêu
Ở thôn 65, thói quen vứt rác bừa bãi vẫn còn là vấn nạn. Đầu cầu, rồi bờ suối, nơi vắng người qua lại..., cứ tiện ở đâu, bà con đổ rác ở đấy. Đây cũng là 1 trong 3 tiêu chí mà thôn 65 chưa hoàn thành trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là việc khó, chi bộ, rồi thôn quyết định họp dân, xây dựng lại quy ước thôn. Để bỏ thói quen xấu này, thôn thống nhất sẽ phạt bằng tiền, phạt ngày công lao động nếu bắt được nhà nào, người nào vứt rác ở nơi công cộng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 65 kiểm tra vườn cam của người dân.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, trong quý II-2023, Chi bộ thôn 65 tiếp tục lấy nội dung xây dựng các lò đốt rác tập trung và lò đốt rác cá nhân làm nội dung sinh hoạt chuyên đề. Chi bộ thống nhất, sẽ xây dựng 3 lò đốt rác tập trung tại những nơi đông dân cư, và 2-3 nhà chung một lò đốt rác cá nhân. Mẫu do cán bộ thôn đi học tập kinh nghiệm tại các nơi đã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, kinh phí mua vật liệu do bà con tự nguyện đóng góp, công xây dựng sẽ do đội ngũ cán bộ thôn tự tay thực hiện.
Những cán bộ thôn 9X ở 65 không chỉ hết mình vì việc làng, việc xóm, mà còn phải đóng vai “người hòa giải”, kết nối hóa giải giận hờn cho cả những cặp vợ chồng đáng tuổi cha tuổi chú mình. Trưởng thôn Trình Văn Cường không nhớ đã bao nhiêu lần mình phải đến nhà dân lúc nửa đêm, rạng sáng để giải quyết những chuyện “riêng tư”. Cứ bà con gọi điện, là anh lên đường, gần như tháng nào cũng vài vụ việc như vậy.
Có lần, chiếc điện thoại hết pin, gần 12 giờ đêm, tiếng đập cửa vang lên thình thình. Trong xóm có đôi vợ chồng cãi nhau. Cường mặc vội bộ quần áo dài rồi chạy xe máy thật nhanh đến nhà đang có cãi cự. Hơn 1 tiếng đồng hồ vừa tỉ tê, lúc mềm mỏng, khi cứng rắn, cặp vợ chồng “hạ nhiệt”, anh mới về nhà.
Phạm Văn Luân, Trình Văn Cường cười, may mắn là vợ con đều ủng hộ để hai người “vác tù và”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Lâm Hoàng Sơn Tinh chia sẻ, những cán bộ thôn 9X như ở thôn 65 giống như ngọn lửa xanh, là những hạt nhân đầu tiên cho công cuộc trẻ hóa đội ngũ cán bộ thôn ở Yên Lâm. Họ không chỉ có sức trẻ, nhiệt huyết mà còn là những người có kiến thức, có trình độ, đây sẽ là cơ sở để các cấp ủy tăng sức trẻ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ở địa phương!.
Gửi phản hồi
In bài viết