Thất bại vì tư duy “ăn xổi”
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, anh Nghiệp về làm tại Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa. Đến năm 2014, anh quyết định dừng công việc làm công ăn lương về quê phát triển kinh tế. Qua phương tiện thông tin đại chúng và đi tham quan mô hình ở tỉnh Thái Bình, anh lựa chọn mô hình nuôi lươn trong bể. Những đồng vốn tích góp bao năm, anh đầu tư xây bể mua giống lươn về nuôi. Song song với đó, anh nuôi thêm trùn quế chủ động thức ăn cho lươn. Để khuyến khích con khởi nghiệp, bố mẹ Nghiệp đã hỗ trợ 1 con trâu, 1 cặp bò sinh sản. Nguồn phân chăn nuôi anh dùng để nuôi trùn quế. Với quy trình khép kín này giúp anh vừa chủ động, giảm tối đa chi phí thức ăn cho lươn.
Anh Nghiệp (người giữa) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với nông dân trong xã.
Vụ đầu tiên, anh Nghiệp thắng lớn, lươn thịt bán được giá cao, trừ mọi chi phí, anh thu lãi 60 triệu đồng. Qua đánh giá nhu cầu thị trường tiềm năng, có chút kinh nghiệm, anh Nghiệp mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng quy mô nuôi lươn. Tuy nhiên, mọi hy vọng làm ăn lớn dần lụi tàn khi lươn mắc bệnh chết hàng loạt. Anh Nghiệp nhớ lại: “Ngày đó, em khá nóng vội khi mở rộng quy mô nuôi lươn, chưa nắm vững cách phòng dịch bệnh. Việc tăng mật độ nuôi quá dày khiến lươn dễ mắc bệnh, thiệt hại lớn. Mỗi ngày, em đau xót thu gom, đổ bỏ cả xô xác lươn. Vụ nuôi lươn thứ hai, cũng là cuối cùng khiến em lỗ 300 triệu đồng, trong đó 1/3 là vốn vay. Thất bại đó giúp em rút ra bài học là không thể tư duy ăn xổi được!”.
Chọn hướng phát triển bền vững
Anh Nghiệp là thanh niên chăm chỉ, chín chắn, có chí làm giàu nên dù khi thất bại nhưng bố mẹ vẫn luôn động viên tinh thần, tin tưởng, ủng hộ giúp anh vay thêm vốn để làm ăn. Anh Nghiệp nói vui: “Việc nuôi lươn thất bại cũng giúp em nhận ra, lựa chọn được hướng đi khác phát triển bền vững hơn đó là chăn nuôi trâu, bò. Sở dĩ em quyết định chuyển hướng nhanh vậy vì thấy tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi gia súc tại địa phương. Thức ăn cho trâu, bò sẵn có, nhất là đất vườn đồi trồng cỏ rộng lớn; bò giống dễ mua, bò mắn đẻ, thị trường đầu ra khá ổn định. Giữa lúc khó khăn nhất bố mẹ lại luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp em vay thêm vốn để xây chuồng trại, mua con giống chăn nuôi bò”.
Anh Nghiệp được bố mẹ hỗ trợ mua thêm 3 cặp bò để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Là người năng động, anh Nghiệp tích cực học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các chủ trại trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc mở tại xã, tại huyện. Đồng thời, anh cũng đọc thêm sách báo, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội để tích lũy thêm kinh nghiệm. Không chỉ chăn nuôi, anh còn bước vào nghề buôn trâu, bò vừa tìm kiếm nguồn con giống chất lượng, mở rộng quan hệ, giữ uy tín với bạn hàng.
Anh lựa chọn nuôi bò sinh sản bằng hình thức nuôi nhốt kết hợp với chăn thả giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cách nuôi này, vật nuôi được cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng, dễ quản lý, tỷ lệ bò đẻ cao, giảm rủi ro, hiệu quả cao hơn so với cách chăn thả tự nhiên. Anh ghi đầy đủ thông tin, theo dõi quá trình sinh trưởng của các con vật nuôi để lựa chọn giống tốt, tối ưu hóa lợi nhuận. Song song với đó, anh Nghiệp nuôi hai con bò đực làm dịch vụ phối giống. Nguồn phân chuồng đủ anh làm phân bón cho hơn 1 ha cỏ voi.
Anh Nghiệp thường duy trì nuôi từ 10 - 12 bò cái sinh sản. Những con bò cái được tuyển chọn kỹ lưỡng nên mỗi năm đều sinh sản 1 lứa. Bò con đẻ ra giữ lại nuôi đủ 1 năm là có thể bán làm bò giống hoặc bò thịt trị giá từ 20 đến 30 triệu đồng/con. Từ nuôi bò sinh sản, bò đực phối giống giúp anh Nghiệp có nguồn thu nhập cao, ổn định, trả được nợ, đầu tư mua xe tải làm thêm dịch vụ chở hàng thuê.
Anh Nghiệp chuẩn bị thức ăn cho đàn vật nuôi.
Từng bước xây dựng thương hiệu
Sẵn có kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, cùng với mong muốn xây dựng thương hiệu uy tín cho sản phẩm trâu, bò giống và thương phẩm của địa phương, anh Nghiệp đã đứng ra vận động thành lập HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành do anh làm Giám đốc. HTX được thành lập từ tháng 8-2020, ban đầu có 12 thành viên, nay đã tăng lên 16 thành viên.
Dịp cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các thành viên phát triển nuôi bò vỗ béo với tổng số đàn 70 con. Qua lứa nuôi đó kéo dài 4 tháng, khi xuất bán, trừ mọi chi phí, trung bình người nuôi có lãi từ 4 - 5 triệu đồng/con. Từ thành công đó, mở hướng đi tiềm năng mới cho các thành viên. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên HTX đang tổ chức cho các thành viên tạm thời giảm quy mô nuôi bò vỗ béo, tập trung phát triển nuôi trâu, bò sinh sản. Hiện, các thành viên đang duy trì đều tổng đàn vật nuôi trên 150 con. Điều đáng mừng là các thành viên đều trồng từ 3 sào cỏ trở lên, chủ động tích trữ thức ăn cho vật nuôi.
Anh Nghiệp cho biết: các thành viên tham gia HTX đều là những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò sinh sản; trâu, bò thương phẩm. Trước đó, khi mới đi vận động thành lập HTX, đa số mọi người hoài nghi về hiệu quả. Mọi người sợ tình trạng trì trệ “thành lập xong cho vui”, hoặc “cha chung không ai khóc”! Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành địa phương giải thích giúp mọi người hiểu được ý nghĩa, lợi ích thiết thực nên đa số các hộ đều hưởng ứng, tích cực tham gia HTX. Nhằm có thêm vốn mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX đang thực hiện các bước làm thủ tục vay vốn ngân hàng theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Nhung, thôn 1 Thuốc Hạ, xã Tân Thành bày tỏ: “Cũng như các thành viên khác, khi tham gia HTX giúp gia đình tôi được hưởng những lợi ích thiết thực. HTX đang làm tốt việc cung ứng con giống và nguồn thức ăn (cám ngô) và dịch vụ thú y cho các thành viên, giúp giảm chi phí trong chăn nuôi. Tuy còn trẻ nhưng Giám đốc HTX Nguyễn Công Nghiệp thường xuyên tổ chức chia sẻ cách làm chuồng, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, cách quản lý vật nuôi, liên kết, tìm đầu ra cho các thành viên”.
Đồng chí Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành vui mừng cho biết, không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Công Nghiệp còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với bà con trong xã. HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành do anh Nghiệp làm Giám đốc tuy mới thành lập, nhưng bước đầu hoạt động hiệu quả, ổn định. Qua đó khẳng định hướng đi đúng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết