Giáo án điện tử: Đổi mới công tác quản lý, dạy học

- Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học đang được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Trong đó, việc sử dụng giáo án điện tử thay thế giáo án giấy trước đây đã giúp tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để các giáo viên đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học...

Từ chỗ còn bỡ ngỡ, chưa quen với những thao tác thực hiện kế hoạch giáo dục (giáo án điện tử) trên máy tính, đến nay, 100% giáo viên của trường Mầm non Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đều đã “nói không với giáo án giấy”, các giáo viên đều sử dụng thành thạo giáo án điện tử. Việc sử dụng giáo án điện tử đã giúp các giáo viên chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy học một cách khoa học, hiệu quả hơn. Cô giáo Tạ Thị Thu Trang, Tổ trưởng tổ chuyên môn mẫu giáo của trường Mầm non Nông Tiến cho biết, trước đây việc soạn giáo án trên giấy mất rất nhiều thời gian do phải kẻ vẽ, trình bày kế hoạch... thì nay với giáo án điện tử giúp việc soạn kế hoạch rất thuận lợi. Nhờ đó, giúp giáo viên có thêm thời gian để làm thêm đồ dùng, đồ chơi, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Trường Mầm non Nông Tiến (TP Tuyên Quang) tập huấn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho giáo viên khi sử dụng giáo án điện tử.

Những ưu việt của giáo án điện tử so với giáo án giấy là không thể phủ nhận khi giáo án điện tử đã giúp tiết kiệm kinh phí do không phải in ấn, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian soạn bài nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, giáo án điện tử với sự liên thông đã giúp Ban Giám hiệu các trường quản lý việc dạy học, đánh giá chất lượng giờ học của giáo viên... một cách thường xuyên và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện việc đổi mới, chuyển từ giáo án giấy sang giáo án điện tử đã gặp không ít những khó khăn, một số giáo viên “có tuổi” gặp khó khăn khi sử dụng. Song với quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu năm học cũng như thực hiện mục tiêu chung của ngành về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhiều trường học đã “nói không với giáo án giấy”

Trường Mầm non Thổ Bình (Lâm Bình) là một trong những trường học ở vùng cao sớm triển khai, ứng dụng các phần mềm, ứng dụng trong quản lý, dạy học. Trong đó, việc thực hiện giáo án điện tử đã được nhà trường thực hiện từ đầu năm học 2022-2023, đến nay đã mang lại những kết quả tích cực. Cô giáo Ma Thị Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi trường thực hiện giáo án điện tử, việc quản lý kiểm tra thuận lợi hơn rất nhiều vì vừa không phải in ấn đồng thời nắm bắt được giáo viên thực hiện thời điểm nào có đúng thời gian hay không. Nhờ đó việc đánh giá giáo viên, đánh giá các tiết dạy học cũng cụ thể, thường xuyên hơn, giúp điều chỉnh, đổi mới việc dạy học cho phù hợp, hiệu quả. Từ hiệu quả của giáo án điện tử, trong thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để đăng ký sử dụng thêm các phầm mềm khác như: phần mềm quản lý dinh dưỡng tính khẩu phần ăn cho trẻ, phần mềm quản lý trường học...

Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, cùng với sử dụng giáo án điện tử thì việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ trong dạy học trong thời gian qua như: Zoom metings, Microsoft Teams, Viettelstudy... hay khai thác kho ứng dụng từ Internet đã giúp đổi mới, thu hút học sinh, giúp những giờ học trở nên hiệu quả hơn. Cô giáo Trương Thị Nguyệt Minh, dạy môn Sinh học, trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn) cho biết, thực hiện dạy học “gắn lý thuyết với thực hành” nên trong những giờ giảng cô thường xuyên sử dụng thêm các hình ảnh, video, đồ dùng thí nghiệm... để minh họa giúp học sinh vừa nắm chắc bài. Có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học hiện nay là yếu tố tất yếu giúp nâng cao chất lượng giáo dục.  

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học đang là vấn đề cốt lõi được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện. Ngoài việc chỉ đạo bằng văn bản, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập tổ tư vấn công nghệ thông tin đồng thời phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thông tin như Viettel, VNPT Tuyên Quang... triển khai công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên mầm non, phổ thông năm 2022. Qua đó đã giúp cán bộ, giáo viên toàn ngành nâng cao kiến thức về chuyển đổi số và có thể tự tin sử dụng, khai thác các kho học liệu số, sử dụng màn hình tương tác thông minh trong dạy học, hướng dẫn sử dụng các phần mềm như học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, cách đồng bộ dữ liệu lên hệ thống và cơ sở dữ liệu của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Việc sử dụng giáo án điện tử cũng như tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học tại các cơ sở giáo dục hiện nay đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Quyết định 117/QĐ-CP về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ dạy học, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục