Giao ban khoa học và công nghệ vùng trung du và miền núi phía Bắc

Video không hợp lệ
- Sáng 7-9, tại thành phố Tuyên Quang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVIII năm 2022.
 

  

Dự hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang; UBND tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La; đại biểu 14 Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của cả nước, nơi sinh sống của hơn 13 triệu người, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết 96 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng này.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,9%/năm. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,67%; GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh phía Bắc; chỉ số cải cách hành chính PARINDEX xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố… Kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Những kết quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực khoa học công nghệ.

Tỉnh Tuyên Quang sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học; tạo điều kiện về mọi mặt để ngành khoa học và công nghệ phát triển. Tỉnh sẽ tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với lợi thế của tỉnh.

Báo cáo kết quả hoạt động tại hội nghị nêu rõ: Từ năm 2018 đến nay, có 164 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia được triển khai thực hiện tại vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách, liên vùng, liên ngành và có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Các đề tài, dự án, tiến bộ kỹ thuật mới được đưa nhanh vào sản xuất, hàng trăm mô hình ứng dụng được hình thành hiệu quả, hàng nghìn lượt người dân được tập huấn kỹ thuật.

Đại biểu tham quan các gian hàng sản phẩm tiêu biểu tại hội nghị.

Trong giai đoạn 2018-2022, khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc đã có hơn 2.100 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 16 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; trên 100 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ…

Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung phân tích, thảo luận các giải pháp thực hiện mục tiêu năm 2030, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa vùng Trung du và Miền núi phía Bắc thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội. Đồng thời có các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn nội tại, những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở từng địa phương; cụ thể hóa rõ nét Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị để vùng trung du và miền núi phía Bắc phát triển thực sự bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đề nghị các tỉnh trong vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trong đó doanh nghiệp giữa vai trò trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó nghiên cứu các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Tin, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục